Theo dõi và kiểm soát huyết áp cho người cao huyết áp

 

Tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến ngày nay và là nguyên nhân của nhiều biến chứng như tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim cấp,… Nếu được điều trị đúng và kịp thời, ta có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm trên.

Điều trị tăng huyết áp gồm có điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Điều trị dùng thuốc là điều trị thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị không dùng thuốc, tức là thay đổi các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu được báo cáo cho thấy việc thay đổi lối sống có tác dụng rõ rệt trong việc làm giảm huyết áp, tăng hiệu quả của thuốc hạ áp và làm giảm biến cố tim mạch. Vì vậy, thay đổi lối sống là “phương thuốc” đầu tiên không thể thiếu trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

Để có một lối sống tốt cho sức khỏe, bạn cần thực hiện những điểm sau đây:

  • Nên ăn lạt, giảm muối từ từ. Một ngày ăn không quá 1 muỗng cà phê muối (tương đương với 6g muối). Lượng muối này bao gồm lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm. Để quen với khẩu vị lạt, bạn có thể thực hiện bằng các cách cụ thể như ăn bánh mì thì giảm xì dầu rồi không cần xì dầu hoặc giảm dần đến không thêm mắm muối vào cơm canh. Hạn chế sử dụng các thức ăn đóng gói hay thức ăn được chế biến sẵn. Không uống nước đóng chai có chứa natri. Khi mua nước đóng chai, hãy kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng nó không chứa Natri.
  • Nếu bạn bị béo phì, nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ rau quả, trái cây. Một người được cho là thừa cân khi chỉ số BMI từ 25 đến 30. Còn chỉ số BMI > 30 được cho là béo phì. (Chỉ số BIM bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao).

ha1

  • Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà.
  • Hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa. Tốt nhất là dùng dầu ô-liu, dầu hướng dương, dầu mè, dầu đậu nành.
  • Không nên ăn nhiều thức ăn ngọt ngay cả khi không bị bệnh tiểu đường.
  • Ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin và chất xơ.

ha2

  • Hạn chế uống nhiều rượu. Mỗi ngày bạn chỉ nên uống 30 ml rượu ethanol hoặc 150 ml rượu vang hoặc 360 ml bia. Lưu ý: Không được dồn vào cuối tuần uống một lần.
  • Bỏ hẳn hút thuốc lá.

ha3

  • Tập thể dục điều đặn, tốt nhất là đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, 3 lần trong 1 tuần nhưng không nên gắng sức. Nếu tăng huyết áp chưa có biến chứng và huyết áp đã được khống chế thì bạn có thể tham gia các môn thể thao thi đấu được.

ha4

  • Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định. Tránh trạng thái căng thẳng, lo lắng, xúc động thái quá.

Ba sai lầm bạn cần tránh mà người bệnh tăng huyết áp thường mắc phải khi điều trị là:

  • Tự mua thuốc hạ huyết áp để uống.
  • Chỉ chữa bệnh khi huyết áp tăng cao và ngừng thuốc khi huyết áp trở về bình thường.
  • Uống lâu dài với 1 toa thuốc mà không tái khám để đánh giá lại tình trạng bệnh.

Hiện nay, khi mức sống con người được nâng cao thì việc sở hữu một máy đo huyết áp trong nhà không phải là khó khăn. Bạn nên học cách sử dụng máy đo huyết áp để có thể tự theo dõi huyết áp cho mình và cho người thân trong gia đình. Trong quá trình theo dõi huyết áp tại nhà, bạn cần phải có sổ theo dõi huyết áp, trong sổ này bạn ghi số đo huyết áp 1 – 3 lần mỗi ngày vào giờ cố định hoặc khi có triệu chứng bất thường. Cần nhớ phải nằm nghỉ ngơi 15 phút trước khi đo huyết áp. Bạn trình cho bác sĩ sổ này mỗi lần tái khám.

 

Điều trị để mức huyết áp thấp hơn 140/90 mmHg là bạn đã tự giúp cơ thể mình tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh Tăng Huyết Áp như giảm 40% khả năng bị đứt mạch máu não,  50% khả năng bị suy tim mãn, giảm 30% khả năng bị Tai biến mạch máu não tái phát và các biến chứng khác.

Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế huyết áp. Đó là “phương thuốc” vừa không tốn kém, vừa có tính khả thi và rất hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp.

                                                                                                                                             Bác sĩ Minh Nguyệt