Huyết áp có di truyền?

 Hỏi: Gia đình tôi có tiền sử bị bệnh cao huyết áp, tôi lại vừa sinh cháu nhỏ. Con tôi có bị di truyền căn bệnh này không, thưa bác sĩ? (H.Yến, Đồng Nai)

Trả lời:

Bệnh cao huyết áp không di truyền, mà chỉ di truyền tình trạng dễ mắc bệnh cao huyết áp. Để dự phòng bệnh này cho bé, ngay từ khi bé mới bắt đầu ăn dặm, bạn nên tập cho bé thói quen không ăn quá mặn.

Muối rất cần thiết trong việc điều hòa thể dịch trong cơ thể, đồng thời góp phần trong các hoạt động biến dưỡng như giúp vào dẫn truyền mệnh lệnh thần kinh, hấp thụ dưỡng chất của tế bào và sự co thắt các cơ. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối cũng có thể dẫn đến nhiều bất lợi cho cơ thể.

Ở người có sức khỏe bình thường, sự thặng dư muối được thận loại bỏ ra ngoài theo nước tiểu; nhưng ở một số người có tính nhạy cảm với muối, sự loại bỏ này không dễ dàng, nên tỉ lệ muối trong cơ thể sẽ không ngừng gia tăng, kéo theo hiện tượng giữ nước trong gian bào và trong máu. Để thích nghi với sự gia tăng của một khối lượng máu quá lớn, tim phải làm việc nhiều hơn và mạnh hơn, đồng thời hệ thống mạch máu phải giãn nở thêm. Áp lực lưu thông của máu trong mạch máu vượt qua giới hạn bình thường và thế là… tăng huyết áp!

Ngoài chế độ ăn giảm muối, mỗi người còn cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, lối sống lành mạnh, luyện tập cơ thể đều đặn, tránh dư cân béo phì để phòng tránh bệnh cao huyết áp. Nếu dự phòng tốt, dù cho gia đình có tiền sử bệnh cao huyết áp, con bạn vẫn khỏe mạnh và sẽ không bị tăng huyết áp.

BS Huỳnh Thị Kiều Thu
(CK I Y học gia đình)

Bài viết khác: