Biến chứng não do tăng huyết áp
Ngày đăng: 02-04-2014 12:29:38
Tăng huyết áp là một trong những bệnh mạn tính không lây có tỉ lệ cao nhất trong cộng đồng và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách 10 bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Tăng huyết áp (THA) làm tăng nguy cơ các tổn thương não do thiếu máu não và thoái hoá, dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng nề về thể chất và hành vi ở các bệnh nhân. Các biến chứng não ở bệnh nhân THA rất đa dạng: từ đột quỵ (do tắc mạch não hoặc xuất huyết não), đến xơ vữa mạch não, thiểu năng trí tuệ ...
|
|
|
Cục máu đông gây tắc mạch
|
Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương đột ngột do nguyên nhân từ mạch máu não, còn gọi là tai biến mạch máu não. Thường đột quỵ xảy ra do tắc nghẽn một mạch máu não, gây chết một phần của não, hoặc do vỡ mạch máu não có thể dẫn đến tử vong hoặc gây tàn phế suốt đời. Theo các thống kê, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba, sau bệnh nhồi máu cơ tim và ung thư, nhưng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trong các loại bệnh.
1. Các dấu hiệu để nhận biết cơn đột quỵ
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước. Người bệnh đang bình thường khoẻ mạnh, đột nhiên bị liệt nửa người, hoặc tê dại nửa người, hoặc đột ngột mất trí nhớ hoặc mất khả năng nói và hiểu lời nói… Trường hợp nặng, bệnh nhân đột ngột bị mê man bất tỉnh, có thể tử vong.
Những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ :
- Gặp khó khăn trong việc nói hoặc hiểu người khác.
- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gà hoặc hôn mê.
- Bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể.
- Đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe (có thể ở một mắt hoặc cả hai mắt).
- Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn.
Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên, phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức, không chần chừ chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không vì việc thăm khám và điều trị đột quỵ cần hết sức khẩn trương, đặc biệt trong khoảng 3 giờ đầu tiên kể từ khi phát bệnh thì mới có thể đạt thành công .
2. Sơ cấp cứu
- Tai biến mạch máu não là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu. Trong khi chờ xe cấp cứu, người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán thìa đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.
- Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển viện đi xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Không cạo gió, không cắt lể, không cúng vái...
Khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bị đột quỵ phải khẩn trương đưa người bệnh đi bệnh viện vì não là cơ quan rất quan trọng và rất nhạy cảm. Nếu bị thiếu máu, thiếu ôxy, hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh chóng. Do đó nếu để người bị đột quỵ ở nhà càng lâu thì phần não bị tổn thương càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được.
3. Điều trị
Ngay khi vào viện bệnh nhân cần được khám lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm huyết học, ghi điện tim và đặc biệt là chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác nguyên nhân, vị trí và mức độ tổn thương. Điều này có tính quyết định đối với thái độ điều trị.
Nguyên tắc điều trị
- Đảm bảo các chức năng sống, chống phù não.
- Kiểm soát tốt huyết áp, tình trạng đông máu của bệnh nhân.
- Nuôi dưỡng tốt, chống loét, chống nhiễm trùng.
4. Những quan niệm sai lầm nên tránh
Nhiều người bị tai biến mạch máu não do tăng huyết áp gây liệt nửa người hay hôn mê, tử vong nhưng lại giải thích là bị trúng gió.
Nhiều người cho rằng huyết áp người già cao hơn huyết áp người trẻ là chuyện bình thường nên không cần điều trị. Đây cũng là một quan niệm sai lầm rất phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Để khắc phục sai lầm này, người có huyết áp 160/90 mmHg ở bất cứ tuổi nào phải được điều trị kết hợp bằng cả 2 phương pháp điều trị có dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
à Phải điều trị suốt đời vì bệnh tăng huyết áp có đến 95% là không rõ nguyên nhân hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát, do đó việc dùng thuốc hạ huyết áp chỉ là điều trị triệu chứng, không phải là giải quyết nguyên nhân.
Còn một quan niệm khác trong cộng đồng là khi huyết áp về bình thường nên ngừng thuốc vì nếu uống tiếp sẽ gây tụt huyết áp. Ngộ nhận này rất nguy hiểm vì điều trị tăng huyết áp không phải như điều trị viêm họng hay cảm sốt, khi hết bệnh là ngừng thuốc.
à Khi điều trị tăng huyết áp phải điều trị kết hợp bằng cả 2 phương pháp có dùng thuốc và không dùng thuốc, đến khi số huyết áp về bình thường phải tiếp tục duy trì việc uống hạ huyết áp vì khi ngừng thuốc huyết áp sẽ tăng cao trở lại và có thể gây ra các tai biến nguy hiểm trên tim và não.
Quan niệm lờn thuốc cũng rất phổ biến trong cộng đồng. Một số người bị tăng huyết áp e ngại rằng khi uống thuốc hạ huyết áp thường xuyên sẽ bị lờn thuốc, giống như lờn thuốc kháng sinh và sợ rằng khi huyết áp tăng thì sẽ không có thuốc trị.
à Theo nhiều nghiên cứu thì không có hiện tượng lờn thuốc hạ áp mà ngược lại là tình trạng tăng đáp ứng với thuốc hạ huyết áp. Khi bệnh nhân tuân thủ tốt việc uống thuốc hạ huyết áp thì sau 2-5 năm có hiện tượng tăng đáp ứng thuốc, tức là lúc này phải giảm liều thuốc hạ huyết áp. Cũng vì lý do này, người bệnh không nên uống với một toa lâu dài mà nên tái khám để bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc hạ huyết áp.
5. Dự phòng
Có tới 50% các trường hợp đột quỵ có nguyên nhân là THA. Huyết áp càng tăng cao thì nguy cơ xảy ra đột quỵ càng lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của các nhà khoa học Anh thì sự dao động liên tục của các chỉ số đo huyết áp còn nguy hiểm hơn nhiều và dễ gây ra đột quỵ hơn. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo rằng trong quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, không chỉ chú trọng đến việc làm giảm chỉ số huyết áp mà quan trọng hơn cần phải quan tâm đến sự ổn định của các chỉ số này.
Mỗi năm, ước tính có khoảng 150.000 người ở Anh bị đột qụy trong đó chủ yếu là ở độ tuổi dưới 65, phần lớn là do hậu quả của tai biến mạch máu não. Khoảng 1/3 trong số đó có nguy cơ tử vong trong vòng 10 ngày, 1/3 có khả năng hồi phục trong vòng 1 tháng, số còn lại có thể bị tàn tật. Tăng huyết áp còn làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Tại các nước đang phát triển, số người bị THA rất cao, nhưng tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện bệnh và được điều trị lại thấp. Do vậy với người trên 40 tuổi, mỗi lần đi khám tổng quát đều cần được đo huyết áp, và nếu huyết áp không cao, thì hàng năm cũng nên đo lại ít nhất 1 lần. Nếu huyết áp cao, thì dự phòng đột quỵ bằng cách uống thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác si và nên có máy đo huyết áp tại nhà để tự kiểm tra thường xuyên. Nhiều người có thói quen tai hại là chỉ uống thuốc khi cảm thấy khó chịu, nếu trong người thấy khoẻ mạnh là tự ý bỏ thuốc không uống nữa. Đây là một quan niệm không đúng vì bệnh tăng huyết áp là bệnh mạn tính, phải uống thuốc hàng ngày, muốn bỏ thuốc phải theo dõi huyết áp cẩn thận và có ý kiến của bác sĩ. Lưu ý là bệnh THA phát triển rất thầm lặng, có nhiều người huyết áp rất cao nhưng trong người cảm thấy bình thường, cơn đột quỵ xảy ra là do người bệnh chủ quan không theo dõi và dự phòng từ trước. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy: nếu điều trị làm giảm số đo huyết áp được 5-6 mm Hg là đã giảm được 40% nguy cơ đột quỵ .
Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên
Hầu hết người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, thường không kiểm tra huyết áp của mình vì thấy sức khỏe bình thường, nên không phát hiện được mình bị THA. Đến khi bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người hoặc bị hôn mê, tử vong, thì lại cho là bị trúng gió. Do vậy, để đề phòng tai biến đáng tiếc nói trên, người dân nên đến trạm y tế địa phương để kiểm tra huyết áp định kỳ mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng một lần và ghi vào sổ theo dõi sức khỏe.
Khi kiểm tra huyết áp, nên lưu ý cả 2 số huyết áp trên và số huyết áp dưới. Gọi là tăng huyết áp khi số huyết áp trên từ 140 mmHg trở lên hoặc số huyết áp dưới từ 90 mmHg trở lên. Chỉ số huyết áp 120/80 mmHg là lý tưởng cho mọi lứa tuổi.
Cách theo dõi huyết áp tại nhà
Khi đo huyết áp tại nhà, người bệnh cần thực hiện đúng theo một số hướng dẫn cơ bản như sau:
- Người bệnh ngồi nghỉ 5 – 15 phút trước khi đo;
- 30 phút trước khi đo huyết áp, người bệnh không được uống cà phê, không hút thuốc lá;
- Một ngày trước khi đo huyết áp, người bệnh không sử dụng các thuốc gây tăng huyết áp như các loại thuốc uống hoặc các loại thuốc nhỏ mũi có chứa epinephrine….
Máy đo huyết áp chính xác nhất là máy đo huyết áp thủy ngân, kế đến là máy đo huyết áp đồng hồ, máy đo huyết áp điện tử. Tư thế khi đo huyết áp là tư thế ngồi tay bệnh nhân để ngang tim (xem hình minh họa ở trên), hoặc tư thế nằm ngửa. Nên đo huyết áp 2 lần cách nhau 2 phút và lấy trung bình của 2 lần đo. Nếu 2 lần đo chênh nhau trên 5 mmHg, phải đo thêm lần thứ 3 cách lần đo thứ hai 2 phút, rồi lấy trung bình của 3 lần đo. Cần đo huyết áp tư thế đứng ở người cao tuổi có nguy cơ hạ huyết áp. Phải đo huyết áp cả 2 tay khi mới phát hiện tăng huyết áp lần đầu tiên .
Bs Nguyễn Trung Quốc
Viện Tim TPHCM