Đau bụng, coi chừng bệnh tim mạch

Ngày đăng: 20-08-2014 12:24:22

Đau bụng là biểu hiện của rất nhiều bệnh tại các cơ quan trong ổ bụng như cơn đau do viêm loét dạ dày – tá tràng, cơn đau quặn thận do sỏi thận – niệu quản, cơn đau trong viêm đại tràng co thắt… và việc chẩn đoán xác định các loại bệnh lý này thường không mấy khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đau bụng lại có nguồn gốc từ các bệnh lý mà ít người nghĩ đến như nguyên nhân do… tim mạch.

Nhồi máu cơ tim sau dưới

Thông thường, các cơn đau do nhồi máu cơ tim (NMCT) có biểu hiện ở vùng ngực trước tim, đau như bóp nghẹt lấy tim và lan lên cổ hoặc cánh tay trái. Tuy vậy, trong trường hợp NMCT sau dưới, do vị trí tổn thương ở phía sau và dưới của tim, ngay sát trên cơ hoành nên cơn đau nhiều khi có vị trí ở vùng thượng vị hoặc dưới mũi ức. Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân bị NMCT sau dưới được chẩn đoán là cơn đau dạ dày cấp, rối loạn tiêu hóa… Việc chẩn đoán NMCT sau dưới là rất dễ dàng nếu người thầy thuốc nghĩ đến căn bệnh này và cho làm ngay điện tim (ECG) và men CKMB hay troponin T hoặc troponin I nếu có điều kiện.

Trước một bệnh nhân đau thượng vị chưa được chẩn đoán xác định rõ ràng nguyên nhân, lại có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao trên 45, tiền sử hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao, nhất thiết phải được làm điện tim và các xét nghiệm để loại trừ NMCT sau dưới. Nếu bỏ sót thì hậu quả sẽ rất tai hại và có thể gây tử vong cho bệnh nhân do NMCT thường gây suy thất phải cấp và các loạn nhịp nặng. Sau khi đã xác định rõ nguyên nhân "đau bụng" là do NMCT, các biện pháp điều trị sẽ được tiến hành như bất động tại giường, giảm đau bằng morphin, cho các thuốc giãn mạch vành, các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, các thuốc chống đông và thậm chí có thể xét nong mạch vành, đặt stent cho bệnh nhân.

Phình tách động mạch chủ bụng

Một trong những cơn đau bụng dữ dội, có lan ra sau lưng hay không, ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như trên (tuổi trên 45, tiền sử hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao) có nguyên nhân là do phình tách động mạch chủ bụng. Các thăm khám cơ bản để xác định cơn đau do nguyên nhân này bao gồm thăm khám hệ thống mạch mu chân, mạch bẹn (tìm dấu hiệu mạch không đều hai bên, nghe có tiếng thổi), đo huyết áp chi dưới hai bên, nghe động mạch thận hai bên, khám bụng xem có khối phồng đập theo nhịp mạch hoặc nghe có tiếng thổi…) và sau thăm khám lâm sàng, thầy thuốc có thể quyết định cho siêu âm doppler hoặc chụp cắt lớp bụng để xác định chẩn đoán.

Cũng như trong NMCT sau dưới, việc chẩn đoán xác định phình tách ĐMC bụng là càng sớm càng tốt vì khối phồng tách lúc này chẳng khác gì… quả bom trong bụng bệnh nhân, có thể vỡ ra gây tử vong cho bệnh nhân bất cứ lúc nào. Việc xác định nhanh chóng vị trí và kích thước khối phồng sẽ góp phần vào việc cứu sống bệnh nhân thông qua các biện pháp điều trị như hạ huyết áp, giảm đau và phẫu thuật cấp cứu.

Tắc động mạch mạc treo

Hệ thống động mạch mạc treo là hệ thống động mạch nuôi ruột bao gồm động mạch mạc treo tràng trên và mạc treo tràng dưới. Nguyên nhân gây tắc các động mạch này thường do cục máu đông từ tâm nhĩ trái (hình thành trong một số bệnh như loạn nhịp hoàn toàn, nhĩ trái giãn quá to…) bong ra, xuống tâm thất trái, theo dòng máu xuống động mạch chủ bụng, trôi vào các động mạch nhỏ như động mạch mạc treo, kẹt lại và gây tắc. Tắc động mạch mạc treo cũng có thể do xơ vữa mạch và điều này hay xảy ra ở người già.

Các triệu chứng biểu hiện của tắc mạch mạc treo bao gồm đau bụng không rõ nguyên nhân, tiêu chảy, dấu hiệu nhiễm khuẩn nhiễm độc và có các triệu chứng như loạn nhịp hoàn toàn, xơ vữa mạch kèm theo. Chẩn đoán tắc động mạch mạc treo tương đối khó, phải dựa vào một số xét nghiệm như D-Dimer, chụp mạch, CT, MRI ổ bụng và nhiều trường hợp không rõ có thể nội soi thăm dò ổ bụng để xác định chẩn đoán. Nếu chẩn đoán muộn hoặc các nhánh lớn của động mạch mạc treo bị tắc có thể dẫn đến hoại tử nhiều đoạn ruột, sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng và bệnh nhân sẽ tử vong.


Tắc động mạch mạc treo gây đau bụng, tiêu chảy.

Một số trường hợp khác

Một số trường hợp khác cũng có thể gây các cơn đau bụng cấp như tắc mạch thận, tắc mạch lách, mạch tử cung, buồng trứng… Nguyên nhân của các trường hợp này hàng đầu cũng là do cục máu đông hình thành trong tâm nhĩ trái, ở các bệnh nhân có loạn nhịp hoàn toàn, trôi xuống gây tắc mạch và do xơ vữa động mạch. Đây là các trường hợp tắc mạch tuy hiếm nhưng cũng có thể gặp trên thực tế lâm sàng và việc chẩn đoán tương đối khó khăn.

Như vậy, những trường hợp đau bụng mà nguyên nhân do bất thường ở hệ tim mạch không phải là ít gặp nên cần lưu ý đến các nguyên nhân này ở bất cứ một trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân nào, từ đó, thầy thuốc sẽ có hướng sử dụng các biện pháp thăm khám cũng như các phương tiện cận lâm sàng hiện đại để xác định chẩn đoán.

Theo SKDS

Bài viết cùng chủ đề
Đại lý phân phối

Sự kiện
SP quan tâm nhiều nhất
Đọc nhiều nhất
Hỗ trợ trực tuyến

© 2013 Microlifevn.com

 

CÔNG TY CỔ PHẦN THIẾT BỊ Y SINH
24 Bàu cát 6, P. 14, Q. Tân Bình, Tp. HCM
Tel: (08) 35399709 - 35399809 - 62775538
Fax: (08) 3810 7019
Email:

Thời Gian Làm Việc Microlife

Từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần

Sáng 8h - 11h 30 , Chiều 13h30 - 17h