Ðiều trị tăng huyếp áp ở người đái tháo đường
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp (THA) ở người đái tháo đường (ĐTĐ): huyết áp < 130/80mmHg.
Để kiểm soát được huyết áp phải kết hợp giữa biện pháp không dùng thuốc (còn gọi là biện pháp thay đổi lối sống) và dùng thuốc.
Thay đổi lối sống
Cần được áp dụng trên tất cả các bệnh nhân. Sự thay đổi lối sống không chỉ làm hạ huyết áp mà còn góp phần điều hòa mức đường máu.
Giảm cân nặng nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì:
BMI = cân nặng /(chiều cao)2 (kg/m2 ).
- Bình thường:
BMI = 18,5- 24,9 kg/m2
Thiếu cân: < 18,5 kg/m2
- Thừa cân:
BMI = 25 - 29,9 kg/m2
- Béo phì: BMI ≥ 30 kg/m2
- Giảm vòng eo: nam < 90cm, nữ < 80cm.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (nhưng ít ngọt như: thanh long, táo, bưởi) và protein từ thực vật (các chế phẩm từ đậu tương); hạn chế ăn các chất béo và chất béo bão hòa, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
- Ăn giảm muối (< 6g/ngày- tương đương 1 thìa cà phê gạt ngang).
- Hạn chế uống rượu, bia: không quá 2 ly rượu nhỏ/ngày (30 ml), dưới 750ml bia.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ nhanh 30- 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Với người có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác cần được bác sĩ chỉ định tập thể dục một cách hợp lý.
- Những bệnh nhân có huyết áp tâm thu 130 - 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80- 89mmHg cần được áp dụng biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt được huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với việc dùng thuốc.
Dùng thuốc hạ huyết áp
Có 5 nhóm thuốc chính hay được sử dụng: ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, chẹn kênh calci, lợi tiểu, chẹn beta. Phần lớn bệnh nhân cần phối hợp ít nhất 2 nhóm thuốc để đạt huyết áp mục tiêu.
Nhóm ức chế men chuyển (Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors- ƯCMC):
- Ngăn chặn sự chuyển angiotensin I thành angiotensin II (là chất có tác dụng co mạch), do đó làm giãn mạch và hạ huyết áp. Thuốc này còn có tác dụng làm giảm phì đại thất trái, giảm protein niệu và microalbumin niệu, do đó làm chậm tốc độ tiến triển bệnh thận (ở cả ĐTĐ týp 1 và týp 2). Chính vì vậy đây là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất và được coi là thuốc nên lựa chọn đầu tiên ở bệnh nhân ĐTĐ có THA.
- Tác dụng phụ: có thể gây ho, tăng kali máu, làm tăng mức độ suy thận. Do đó, cần theo dõi creatinin và kali máu lúc mới dùng thuốc và khi tăng liều. Nếu creatinin máu tăng trên 30% so với lúc trước thì cần dừng thuốc.
- Chống chỉ định: có thai, hẹp động mạch thận hai bên.
- Một số thuốc thường dùng: captopril, enalapril, perindopril, quinapril.
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: (Angiotensin- Receptor Blockers- ARB):
- Ức chế chọn lọc thụ thể angiotensin II ở tế bào cơ trơn mạch máu, do đó gây giãn mạch và làm giảm huyết áp. Vì có tác dụng tương tự thuốc ức chế men chuyển nên được chỉ định khi bệnh nhân bị tác dụng phụ (ho) của thuốc ức chế men chuyển. Thuốc ARBs cũng có tác dụng làm giảm protein niệu và làm chậm tiến triển bệnh thận nhưng chủ yếu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2.
- Chống chỉ định: giống như đối với thuốc ức chế men chuyển.
- Một số thuốc thường dùng: losartan, irbesartan, telmisartan, valsartan.
Thuốc chẹn kênh calci:
Ngăn chặn dòng calci chậm vào trong tế bào cơ trơn thành mạch, do đó gây giãn mạch và làm giảm huyết áp. Có hai nhóm thuốc chẹn kênh calci: không dihydropyridine và dihydropyridine đều đã được chứng minh bên cạnh tác dụng hạ áp còn có tác dụng làm giảm các biến cố tim mạch, trong đó nhóm dihydropyridine có tác dụng hạ áp mạnh hơn nên thường được sử dụng và là lựa chọn ưu tiên để kết hợp với ƯCMC hoặc ARBs.
- Tác dụng phụ: phù chân, đau đầu, nóng bừng mặt.
- Một số thuốc thường dùng: nifedipine: là thuốc chẹn kênh calci thế hệ đầu, hay gây tác dụng phụ làm tăng nhịp tim. Tác dụng bất lợi này đã được làm giảm bớt bởi các thuốc thế hệ sau như: amlodipine, felodipine, manidipine, lercarnidipine, nicardipine.
Thuốc lợi tiểu:
Có tác dụng tăng thải natri và nước ở thận, làm giảm thể tích máu, do đó làm giảm huyết áp. Thuốc lợi tiểu, đặc biệt nhóm thiazide, đã được chứng minh bên cạnh hiệu quả hạ áp còn có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tử vong do bệnh tim mạch và đột qụy tương đương với thuốc chẹn beta giao cảm và chẹn kênh calci loại diltiazem (không dihydropyridine). Thiazid viên 25mg là thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị THA. Tác dụng phụ hay gặp là mất nước và hạ kali máu. Điều này có thể được hạn chế bằng cách cho bệnh nhân uống liều nhỏ thiazide (25mg/ngày) và kết hợp với thuốc ƯCMC hoặc ARBs, lợi tiểu giữ kali hoặc kháng aldosterone. Khi bệnh nhân có suy thận (creatinin ≥ 1,8 mg/dl) thì nên dùng lợi tiểu nhóm furosemid.
Thuốc chẹn beta giao cảm:
Có tác dụng hạ áp kém hơn các thuốc trên nhưng ở những bệnh nhân THA có suy tim hoặc nhồi máu cơ tim, đây là thuốc được khuyến khích dùng kết hợp với ƯCMC hoặc ARBs.
- Chống chỉ định: hen suyễn, suy tim mất bù, nhịp chậm xoang, blốc nhĩ- thất.
- Một số thuốc thường dùng: metoprolol, bisoprolol, atenolol.
Các nhóm thuốc khác:
Chẹn alpha1 giao cảm:
- Làm giảm sức co của cơ trơn mạch máu ngoại vi, do đó làm giảm huyết áp.
- Thuốc này có tác dụng hạ áp không mạnh. Bên cạnh tác dụng hạ áp, nhóm thuốc này còn có tác dụng điều trị triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
- Tác dụng phụ: gây hạ huyết áp tư thế đứng, nhất là khi dùng liều đầu tiên.
- Một số thuốc thường dùng: prazoxin, terazoxin, doxazoxin.
Thuốc chẹn alpha và beta giao cảm: có đặc tính của cả hai thuốc: chẹn alpha và beta giao cảm. Tác dụng hạ áp thường không mạnh.
- Một số thuốc thường dùng: labetalol, carvedilol.
Nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: Hoạt hóa 1 số tế bào thần kinh, từ đó gây hạ huyết áp.
- Tác dụng phụ: độc tính với gan, gây buồn ngủ, hạ huyết áp tư thế đứng, gây trầm cảm.
- Thuốc thường dùng: methyldopa (aldomet), clonidine (catapres)
Lưu ý: Khi bệnh nhân đã đạt được huyết áp mục tiêu vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc huyết áp đang dùng vì nếu bệnh nhân ngừng thuốc thì huyết áp sẽ tăng trở lại.
ThS.BS. Phạm Thị Tuyết Nga (Viện Tim mạch Việt Nam)
Theo Sức khoẻ & Đời sống