Thực phẩm tác động đến tâm trạng chúng ta như thế nào?
Ngày đăng: 09-05-2016 03:55:44
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những chất chứa trong thực phẩm trên bàn ăn của chúng ta có thể tác động đến thành phần hóa học của não bộ. Một điều kỳ diệu khác, thực phẩm cũng ảnh hưởng đến tâm trạng con người và chữa một số bệnh phát sinh do xã hội hiện đại hóa.
Tăng cường sự tỉnh táo với protein
Các thực phẩm chứa protein chuyển hóa thành các khối amino acid trong quá trình tiêu hóa. Một amino acid là tyrosine sẽ làm tăng thêm sự sản sinh dopamine, norepinephrine và epinephrine. Các chất trung chuyển thần kinh này có nhiệm vụ kích lên cấp độ tỉnh táo và năng lượng. Không ai hấp thu tyrosine thuần túy, song ăn các thực phẩm giàu protein sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái.
Các thực phẩm giàu protein bao gồm cá, gà vịt, thịt và trứng các loại. Nếu bạn không thể ăn được các thứ đó, có thể thay thế bằng các thực phẩm cũng chứa một lượng đáng kể những carbohydrate như rau củ, phô mai, sữa hay đậu hũ.
Thư giãn và chống stress
Hấp thu các carbonhydrate làm tăng insulin trong máu. Insulin lo công việc dọn sạch các amino acid ra khỏi máu, trừ tryptophan. Tryptophan là một amino acid bình thường bị các amino acid khác ngăn cản vận chuyển lên não, nhưng một khi các amino acid kia không còn thì tryptophan có thể theo máu đưa lên não bộ. Tại đây, tryptophan chuyển hóa thành serotonin - một chất trung chuyển thần kinh có tác dụng làm giảm đau, tăng sự ngon miệng và tạo cảm giác an thần.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những người ăn kiêng có khuynh hướng bị trầm uất sau 2 tuần bước vào chế độ kiêng khem, đó là khoảng thời gian serotonin của họ bị suy sút nghiêm trọng do carbonhydrate hấp thu bị giảm mạnh.
Các thực phẩm giàu carbohydrate chống stress bao gồm: bánh mì, bánh quy, mì ống, gạo, ngũ cốc và trái cây.
Caffeine có thể là chất chống trầm uất hiệu quả
Trong trường hợp bị stress nhẹ, bạn có thể dùng chút caffeine mà không cần phải đụng đến thuốc men. Một hay hai tách cà phê mỗi ngày có tác dụng tốt cho sức khỏe và tâm trạng. Tuy nhiên nếu vượt khỏi ngưỡng này, caffeine có thể gây phản tác dụng với phần lớn người dùng.
Acid folic cũng hiệu quả trong phòng chống stress
Các thí nghiệm lâm sàng cho thấy sự thiếu hụt acid folic có thể dẫn đến chứng trầm uất. Sự thiếu hụt này sinh ra do lượng serotonin trong não giảm sút. Các bệnh nhân trầm uất có tỷ lệ thiếu hụt acid folic cao hơn người thường rất nhiều.
Chỉ cần khoảng 200 microgram acid folic là đủ để giảm bớt tình trạng trầm uất - lượng này có thể dễ dàng được cung cấp bằng việc uống một ly cam vắt.
Thiếu selen có thể gây tâm trạng xấu
Những ai thiếu selen trong cơ thể thường bộc lộ các triệu chứng lo âu, cáu gắt, thù địch và phiền muộn hơn những người không thiếu chất này. Để chắc chắn là mình có đủ selen, hằng ngày bạn nên ăn các quả hạch, cá ngừ, hạt hướng dương, ngũ cốc.
Trứng giúp cải thiện trí nhớ và sự tập trung
Một dưỡng chất mà chúng ta thường thiếu hụt khi tránh ăn các thực phẩm giàu cholesterol là choline. Choline là một vitamin nhóm B phức hợp có nhiều trong những thực phẩm giàu cholesterol như trứng và gan. Thiếu choline có thể gây sút kém trí nhớ và sự tập trung.
Choline là một chất làm sản sinh acetylcholine, một chất trung chuyển thần kinh liên quan đến trí nhớ. Khi mức acetylcholine rơi xuống thấp, con người dễ mắc bệnh Alzheimer. Do đó chúng ta không nên loại bỏ món trứng khỏi thực đơn của mình.
Diên San