Mì ăn liền khiến trẻ nghèo suy dinh dưỡng
Ngày đăng: 11-11-2019 12:19:18
Một nửa trong số 700 triệu trẻ nhỏ chịu cảnh đói ẩn - thiếu chất dinh dưỡng do ăn thực phẩm rẻ tiền, gây no mà ít chất.
Hệ quả là một phần ba số trẻ nhỏ, từ 0 đến 5 tuổi, bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân. Trong số suy dinh dưỡng, có 149 triệu em ở thể thấp còi.
Giá thành thấp, dễ làm no bụng, ngon miệng, tiện lợi, các thực phẩm siêu chế biến, trong đó có mì ăn liền, trở thành món ăn tiện dụng của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có trẻ em.
Theo báo cáo thường niên của The State of the World’s Children, bản 2019 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố, hàng triệu trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, do thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Báo cáo cho hay nhiều trẻ em nghèo thành thị hoặc sống trong "sa mạc thực phẩm" - tức không có thực phẩm lành mạnh để ăn; hoặc sống trong "đầm lầy đồ ăn" - tình trạng có quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều năng lượng và ít dưỡng chất.
Gần 45% trẻ em trên thế giới từ 6 tháng đến hai tuổi không được ăn rau quả, gần 60% không được ăn trứng, cá, thịt, các sản phẩm từ sữa. Việc người dân từ các vùng nông thôn đổ vào thành phố để tìm việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Sự tiện lợi của các sản phẩm siêu chế biến như mỳ ăn liền để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: SCMP
"Quá nhiều trẻ em và thanh niên không được ăn uống đúng cách, làm giảm khả năng phát triển tối đa thể chất, trí não", Henrietta Fore, giám đốc điều hành UNICEF cho biết. "Dù công nghệ, văn hóa, xã hội đang trên đà phát triển trong những thập niên gần đây, chúng ta đang quên đi một điều: nếu trẻ em không được ăn uống đầy đủ, chúng không thể sống một cuộc sống đầy đủ".
Thực phẩm siêu chế biến như mì ăn liền đã trở thành lựa chọn của nhiều người trong độ tuổi lao động do muốn có bữa ăn rẻ, tiện lợi.
"Đối với tôi, mì ăn liền là thực phẩm chứa calo rỗng", Michelle Lau, chuyên gia dinh dưỡng, nhà sáng lập Nutrilicious - công ty tư vấn dinh dưỡng và truyền thông trụ sở tại Hong Kong. "Những sản phẩm này có hạn sử dụng lâu, song không có giá trị dinh dưỡng, nhiều carbohydrate tinh chế, lâu tiêu khiến trẻ em no lâu".
Mì ăn liền giàu chất béo bão hòa, calo, muối, phẩm màu, phụ gia và chất bảo quản. Thành phần mì chứa lượng lớn natri - nguyên nhân chính gây béo phì, huyết áp cao.
"Những tác hại của tình trạng thiếu dinh dưỡng sẽ nghiêm trọng hơn nếu người dùng bị thừa cân hoặc béo phì. Không chỉ trẻ em, người tiêu dùng mọi lứa tuổi đều không nên ăn thực phẩm siêu chế biến như mì ăn liền".
Malaysia, Philippines, Indonesia là ba quốc gia đang có tình trạng lạm dụng mì ăn liền, khoảng 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, cao hơn tỷ lệ 30% của thế giới.
Tại Malaysia, 27% trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc, 11,5% suy dinh dưỡng nghiêm trọng, 12,7% trẻ từ 5 đến 19 tuổi béo phì. Các vùng đô thị nghèo có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn mức chung quốc gia.
Theo Michelle, thiếu dinh dưỡng có thể xảy ra ở cả trẻ thiếu cân lẫn thừa cân. "Nhiều phụ huynh cho rằng thừa cân là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã được cung cấp đủ dinh dưỡng. Quan điểm này không đúng", cô nói.
Henrietta nhấn mạnh cần thay đổi cách tư duy về duy dinh dưỡng. "Chăm sóc trẻ em không chỉ là cung cấp đủ đồ ăn mỗi ngày, mà còn là cho trẻ ăn đúng đồ ăn. Đây là thử thách mỗi ngày của các phụ huynh", ông nói.
Theo báo cáo của UNICEF, một cách để khuyến khích trẻ em và các gia đình lựa chọn đồ ăn giàu dinh dưỡng hơn là in các thành phần dinh dưỡng lên mặt trước của bao bì sản phẩm để người dùng dễ theo dõi hơn.
Song, dù không có nhiều giá trị dinh dưỡng, nhu cầu sử dụng mì gói của người tiêu dùng vẫn rất cao, thị trường đồ ăn liền nở rộ. Năm 2018, thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt 42,2 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 57,5 tỷ USD năm 2024, theo ResearchMarkets.
Năm 2018, có đến 103,6 tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ trên toàn thế giới, tương đương 280 triệu gói mỗi ngày, trong đó 80% do người châu Á tiêu thụ.
Trung Quốc và Hong Kong tiêu thụ 40,25 tỷ gói mì ăn liền năm 2018, đứng đầu danh sách các nước tiêu thụ mì ăn liền (tính theo đầu người) trên thế giới, Indonesia đứng thứ hai với 12,54 gói. Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia có mặt trong danh sách, cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Philipines, Hàn Quốc, Thái Lan, Brazil.