Làm sao để nói không với biến chứng tiểu đường
Ngày đăng: 11-07-2017 03:34:44
Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đường huyết gây ra đồng thời kiểm soát bệnh đường huyết thì chúng ta cần đặc biệt lưu ý công thức 2T: Thức ăn và Thể lực.
1. T đầu tiên: Thức ăn (chế độ ăn uống)
Cân nặng, tình trạng bệnh, thói quen và công việc ảnh hưởng nhiều đến chế độ ăn uống. Nhưng dù ở trạng thái nào, người bệnh vẫn cần đảm bảo đủ năng lượng tối thiểu, theo các mức:
- Lao động nhẹ (nhân viên văn phòng): 30 – 35 kcal/kg/ngày.
- Lao động nặng (chân tay): 35-40 kcal/kg/ngày.
- Người đang nằm điều trị: 25kcal/kg/ngày.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cần lưu ý các hàm lượng chất đạm, bột, béo trong thực đơn hàng ngày phải được cân bằng. Mục tiêu của chế độ ăn là kiểm soát đường huyết cho người bệnh khi đói 4 -7,2 mmol/l. Đường huyết 2 giờ sau ăn dưới 10mmol/l hoặc tốt hơn là dưới 8 mmol/l. Tuy nhiên, chế độ ăn sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng thể trạng bệnh nhân cụ thể.
Chế biến món ăn:
Người bị tiểu đường hạn chế ăn món chiên, ưu tiên ăn món hấp, luộc, xào; trộn salad nên dùng dầu olive nguyên chất, dầu mè hoặc dầu hạt lanh, không nên dùng dầu mỡ có nguồn gốc động vật.
Chia nhỏ bữa ăn:
Chia nhỏ bữa ăn bằng công thức: 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ. Mục đích tránh tăng đường huyết “ồ ạt”. Khi ăn nên ăn chậm và dừng lại nếu thấy vừa đủ.
Đường huyết hạ khi ngủ vào buổi tối cũng khó tránh khỏi đối với người bị tiểu đường. Do đó, nên ăn bữa phụ trước khi đi ngủ. Nhưng vẫn phải hạn chế tối đa chất bột đường.
Ăn đúng giờ và nhiều rau xanh:
Người bệnh nên ăn đúng giờ, đúng bữa, tuyệt đối không được bỏ bữa ngay cả khi chán ăn hoặc bệnh nặng.
Khi ăn nên chọn thực phẩm có lượng đường thấp và nhai kỹ, ít nhất 3 lần trước khi nuốt. Dù bị tiểu đường thì vẫn phải ăn tinh bột để cung cấp năng lượng cho cơ thể, kèm rau xanh, hoa quả để lấy vitamin và khoáng chất. Cách chọn hoa quả: chọn loại có lượng đường thấp (chỉ số GI thấp), ví dụ: dưa bở, dưa hấu, nho…Nước thì cần 1,5l-2l/ ngày (nước lọc, sữa không đường, canh…) nhằm tránh tình trạng táo bón.
Nguyên tắc của chế độ ăn đối với người đái tháo đường, chỉ ăn đúng lượng thực phẩm cần thiết hàng ngày để duy trì cân nặng hợp lý, cần thiết cho hoạt động bình thường. Số lượng thực phẩm khác nhau cho mỗi đối tượng phụ thuộc vào giới tính, cân nặng, chiều cao, cường độ lao động… Không ăn kẹo, đường, bánh ngọt…
2. T thứ 2: Thể lực
Ăn uống là một phần, người bị tiểu đường cần vận động thể lực thích hợp để nâng cao thể lực.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, cân nặng và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Người bị tiểu đường ngoài chế độ ăn hợp lý theo sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng thì phải kết hợp với luyện tập thể lực. Vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát được cân nặng tăng sức chịu đựng của tim, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Một ngày người tiểu đường nên bỏ ra 30 phút luyện tập thể dục.
Người bệnh nên lựa chọn bài tập thể dục vừa sức, ví dụ như (chạy, đi bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ...). Trong trường hợp đã có biến chứng về thận, tim mạch nên tránh những bài tập có cường độ cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, người bị tiểu đường nếu được bác sĩ chỉ định dùng thuốc cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đi khám định kỳ bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tiểu đường.
(Nguồn: sưu tầm)