Bệnh rung tâm nhĩ

 Rung tâm nhĩ  (Atrial fibrillation) 

Trong các bệnh tim đập sai nhịp, rung tâm nhĩ là bệnh tim đập sai nhịp xảy ra rất nhiều. 4% các vị tuổi trên 60, và đến 9% các vị trong hạn tuổi 75 bị rung tâm nhĩ. rung tâm nhĩ có thể gây biến chứng suy tim,đột quỵ chết cơ tim, hoặc tai biến mạch máu não (stroke).

Tim gồm 4 buồng: 2 tâm nhĩ phía trên (atria), và 2 tâm thất lớn hơn phía dưới (ventricles). Các luồng điện trong tim phát xuất từ các tâm nhĩ rồi được dẫn truyền xuống các tâm thất. Khi sự dẫn truyền các luồng điện trong tim bình thường, tim đập đều, với nhịp trong khoảng 60-100 mỗi phút. Khi bị rung tâm nhĩ, các luồng điện phát xuất từ tâm nhĩ lộn xộn, và rất nhanh, đến 350-600 nhịp mỗi phút. Nếu các tâm thất tuyệt đối nghe lời các tâm nhĩ, cùng đập nhanh đến vậy thì ta nguy to, nhưng cũng may, các tâm thất chỉ nghe mệnh lệnh truyền xuống từ các tâm nhĩ một phần, cũng đập lộn xộn đấy, song chỉ đập 120-180 nhịp mỗi phút. Như vậy cũng đủ mệt.

 

Nguyên nhân 

 

Điện chạy đúng đường thì tốt, trật đường thì “mát”. Luồng điện trong tim cũng vậy, cứ chạy đúng một đường từ tâm nhĩ xuống tâm thất thì tim đập đều, song nếu xẹt tán loạn, lung tung trong tâm nhĩ, sẽ khiến tâm nhĩ rung nhanh và lộn xộn, vạ lây đến tâm thất. Bất cứ tình trạng nào khiến các tâm nhĩ to lên, hoặc làm gián đoạn việc dẫn truyền bình thường của điện trong các tâm nhĩ, đều có thể khiến điện chạy bậy, đưa đến rung tâm nhĩ. Như vậy, rất nhiều nguyên nhân có thể khiến tâm nhĩ bị rung. Chỉ xin kể ra ở đây vài nguyên nhân dễ hiểu hay gây rung tâm nhĩ:

- Bệnh cao áp huyết.

- Các bệnh van tim.

- Chết cơ tim cấp tính (myocardial infarction, “heart attack”).

- Suy tim.

- Bệnh nội tiết: các bệnh suy giáp trạng (hypothyroidism), cường giáp trạng (hyperthyroidism), pheochromocytoma.            

- Độc tính của thuốc: như thuốc chữa suyễn theophylline.

- Uống rượu nhiều quá (acute alcohol ingestion).         

 

Định bệnh 

 

rung tâm nhĩ thường hay gây chóng mặt, hồi hộp, khó thở, ngất xỉu (syncope), mệt yếu, đau ngực (angina). Nhưng nhiều người lại không có triệu chứng gì cả, hoặc chỉ có những triệu chứng mơ hồ như mệt, yếu. Khi khám bệnh, bác sĩ cẩn thận bắt mạch và nghe tim, nhất là cho các vị lớn tuổi than yếu, mệt.

Bắt mạch và nghe tim, thấy mạch nhanh, không đều, tim đập lẹ, lung tung, tiếng lớn tiếng bé, chẳng theo nhịp điệu nào cả (irregularly irregular rhythm), ta nghi ngay rung tâm nhĩ. Làm tâm điện đồ (EKG) có thể xác định đúng là rung tâm nhĩ dễ dàng, vì nhịp tim trên tâm điện đồ cũng vậy, nhanh, lộn xộn.

Sau khi xác định bạn đúng bị rung tâm nhĩ, song may mắn tình trạng bạn vẫn ổn định, không cần phải gọi xe cứu thương chở ngay vào bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám bạn kỹ lưỡng, để tìm nguyên nhân gây rung tâm nhĩ: cao áp huyết, suy tim, uy hoặc cường giáp trạng, ... Cũng xin không quên hỏi bạn có hay uống rượu không nhỉ, những thuốc nào bạn đang dùng (đi khám bệnh, bạn cứ mang hết các thuốc đang dùng ở nhà theo cho tiện).

Sau phần khám bệnh, chúng ta làm một vài thử nghiệm máu: đếm máu toàn diện (complete blood count, viết tắt CBC), đo các chất điện giải căn bản trong người (basic chemistries), xem chất TSH có cao hay thấp, tức bạn có bị suy hoặc cường tuyến giáp trạng? Ta làm thêm siêu âm tim (echocardiogram) cho đầy đủ bạn ạ, tìm xem tâm thất bên trái có còn hoạt động đàng hoàng, tâm nhĩ trái có lớn, và xem trong tâm nhĩ trái có cục máu đông nào ẩn trú trong đó không. Tâm nhĩ trái bị rung, khiến máu hay đông và bám vào đấy, thỉnh thoảng lại bắn ra, theo dòng máu lên óc gây tai biến mạch máu não thì nguy.    

 

Chữa trị 

 

rung tâm nhĩ khiến tim đập lộn xộn, nhanh đến 120-180 nhịp mỗi phút, có thể đưa đến các biến chứng cấp thời: suy tim, chết cơ tim cấp tính, áp huyết hạ thấp. Đây đúng là những tình trạng khẩn cấp, cần được chữa trị ngay trong bệnh viện, và ta nhờ bác sĩ chuyên khoa tim tức khắc dùng dòng điện tạo lại nhịp đập bình thường cho con tim đang bị rung tâm nhĩ (electrical cardioversion).

Cũng may, đa số những trường hợp rung tâm nhĩ không nguy kịch đến vậy, bạn có thể hơi thấy yếu, mệt thực đấy, nhưng áp huyết bạn ổn định, bạn không đau ngực, không có dấu chứng suy tim, hoặc chết cơ tim cấp tính. Nên ta có thể từ từ trị liệu vấn đề trong phòng mạch. Việc đầu tiên là giúp tim đập chậm lại 60-100 nhịp mỗi phút. Điều này có thể thực hiện được với nhiều thuốc uống (Cardizem, Verapamil, Atenolol, Lopressor, Digoxin, ...).

Giúp tim đập chậm lại không khó, song giúp tim đập đều nhịp trở lại như trước đặt ra nhiều vấn đề cũng như nhiều bàn cãi hơn. Nếu tim mới bị rung tâm nhĩ trong vòng 48 tiếng, ta có thể dùng ngay các thuốc chống thất nhịp (antiarrhythmic drugs) Procainamide, Flecanide, Propafenone, Amiodarone, Sotalol, Ibutilide, hoặc dùng dòng điện (trường hợp không thành công với những thuốc kể trên) để giúp tim đập đều nhịp trở lại. Nhưng nếu rung tâm nhĩ đã xảy ra quá 48 tiếng, triển vọng bị máu đóng cục trong tâm nhĩ trái tăng cao, và khi ta giúp tim đập đều trở lại, cục máu đông trong tâm nhĩ trái có thể bất ngờ bong ra, theo máu lên óc gây tai biến mạch máu não.

Làm thế nào để biết rung tâm nhĩ mới xảy ra, hay đã xảy ra quá 48 tiếng, việc này không dễ, vì nhiều trường hợp rung tâm nhĩ hoàn toàn không gây triệu chứng. Do thế, khi không rõ rung tâm nhĩ đã xảy ra bao lâu, ta nên dùng thuốc chống đông máu Coumadin (warfarin) trong vòng 3 đến 4 tuần lễ, trước khi quyết định đưa nhịp tim trở lại bình thường, bằng thuốc hoặc bằng dòng điện. Sau đó, khi đưa được nhịp tim trở về đường ngay nẻo chánh thành công, ta tiếp tục thuốc chống đông máu Coumadin khoảng 4 tuần nữa, trước khi ngừng thuốc. Còn các thuốc chống thất nhịp Procainamide, Flecanide, Propafenone, Amiodarone, Sotalol, hoặc Ibutilide, dùng để đưa nhịp tim trở về bình thường, thường được tiếp tục thêm khoảng 6-12 tuần, sau đó sẽ ngưng. Dùng lâu những thuốc này có thể bị những phản ứng phụ tai hại, nhiều khi nguy hiểm.

Lắm lúc, đời không quá dễ như ta tưởng. Tim bị rung tâm nhĩ, khi được giúp đập bình thường trở lại như trước, trong tương lai, sẽ còn tái phạm đập tầm bậy nữa hay không? Có con tim sẽ tiếp tục đập đàng hoàng được nhiều năm, cũng có con tim, chỉ... vài phút sau, lại ngựa quen đường cũ, đập lộn xộn, lung tung nữa rồi. Với những con tim cứ hay rung tâm nhĩ trở đi trở lại, người ta còn phân vân, chưa biết có nên giúp nó đập lại bình thường mỗi lần nó đập lộn xộn, hay nếu nó mãi cứng đầu như thế, cứ để mặc nó, chỉ dùng thuốc kiểm soát nhịp tim (như Cardizem, Verapamil, Atenolol, Lopressor, Digoxin), và thuốc chống đông máu Coumadin suốt đời cho người bệnh (để tránh hiểm nguy tai biến mạch máu não do rung tâm nhĩ gây ra). Hoặc nếu rung tâm nhĩ tiếp tục tái phát, gây các triệu chứng, biến chứng quan trọng, dùng thuốc không ăn thua, có thể phải sử dụng đến các phương pháp giải phẫu, radiofrequency catheter ablation cắt bỏ chỗ có luồng điện dẫn truyền bất thường, và đặt một máy điều khiển nhịp tim (pacemaker) giúp tim không đập nhanh bất thường nữa.

Chúng ta cũng nên biết thêm, một số trường hợp tim rung tâm nhĩ, đập lung tung một thời gian, chúng chán, chúng tự động đập lại bình thường, không cần chữa trị gì cả. Nhất là khi rung tâm nhĩ mới xảy ra lần đầu, và siêu âm tim cho thấy tim trông vẫn bình thường. Trường hợp này, nếu tìm được nguyên nhân gây rung tâm nhĩ, chẳng hạn như bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), ta chữa bệnh này cho đúng, có khi rung tâm nhĩ sẽ không bao giờ trở lại quấy rầy ta nữa.

Điện đâu cũng có, và cần. Song điện chạy đúng thì tốt, chạy bậy thì mệt. Trong tim cũng vậy. rung tâm nhĩ do điện chạy lung tung, lộn xộn trong các tâm nhĩ, vạ lây đến các tâm thất. Nhiều nguyên nhân gây rung tâm nhĩ, có những nguyên nhân nếu ta tìm ra và chữa trị thích ứng, rung tâm nhĩ sẽ biến mất. Chữa rung tâm nhĩ, việc trước là giúp tim đập chậm lại, sau sẽ tìm cách giúp nó đập đều nhịp trở lại. Vì biến chứng tai biến mạch máu não có thể xảy đến do máu đông bắn ra từ tâm nhĩ bị rung, thường ta phải dùng thêm thuốc chống đông máu Coumadin, có khi suốt đời 

BS. Nguyễn Văn Đức