Huyết áp cao có nên uống nhiều trà?
Với liều cao, nhất là với người hay căng thẳng, dễ bị kích thích, mất ngủ hoặc cao huyết áp, caffeine trong trà có thể làm tăng nội tiết tố stress, gây co mạch và tăng huyết áp.
Nghiên cứu của hội đồng nghiên cứu trà Anh cho biết uống trà lúc bụng trống có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
Các nhà khoa học đã đo lường mức độ nở mạch và huyết áp của những người có bệnh về mạch vành tham gia thí nghiệm trước và ba giờ sau khi uống trà. Kết quả cho biết, uống trà lúc bụng trống làm tăng áp huyết, uống trà kèm theo bữa ăn lại không xảy ra hệ quả này.
Ngoài những hợp chất chống oxy hoá, trà còn có những hoạt chất khác, bao gồm caffeine. Trung bình một cốc trà có khoảng 50mg chất này.
Caffeine là một chất kích thích thần kinh. Với liều cao, nhất là với người hay căng thẳng, dễ bị kích thích, mất ngủ hoặc cao huyết áp, caffeine trong trà có thể làm tăng nội tiết tố stress, gây co mạch và tăng huyết áp.
Một khuyến cáo của trung tâm y học thuộc trường đại học Maryland (Mỹ) cho biết, trà có thể làm tăng huyết áp nghiêm trọng ở những người đang dùng thuốc thuộc nhóm Beta blockers như propanolol, metaprolol (thuốc giúp hạ huyết áp), nhóm Monoamine Oxidase Inhibitors MAOIs như phenelzine, tranylcypromine (thuốc chống trầm cảm) và chất phenylpropanolamine, chất có tác dụng co mạch được dùng trong một số biệt dược chữa cảm, cúm hoặc thuốc làm giảm cân.
Nói chung, trà có nhiều chất chống oxy hoá, có lợi cho phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư.
Tuy nhiên, do tính kích thích thần kinh của chất caffeine, những người có rối loạn nhịp tim, huyết áp cao nên cẩn thận khi dùng, nhất là lúc bụng trống. Những người dễ mất ngủ, hay đi tiểu đêm cũng không nên uống trà vào buổi tối.
Theo SGTT