Khi nào người nhiễm nCoV có thể xuất viện?
Ngày đăng: 10-02-2020 02:46:59
Bộ Y tế quy định người nhiễm nCoV xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, hai mẫu bệnh phẩm lấy cách nhau một ngày đều xét nghiệm âm tính.
Ngoài ra bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi cải thiện.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần mỗi ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám ngay tại cơ sở y tế.
Do nCoV mới phát hiện, chưa đủ dữ liệu lâm sàng để đánh giá dịch tễ nên hiện chưa rõ nguy cơ tái phát đối với người từng nhiễm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong họp báo ngày 5/2 cũng cho biết người đã điều trị khỏi virus corona sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus corona mới ngày 6/2 của Bộ Y tế, hầu hết người nhiễm corona chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau một tuần. Một số trường hợp bị viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô cấp, sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm - toan, suy chức năng cơ quan dẫn đến tử vong.
Thời gian diễn biến nặng thường khoảng sau 7-8 ngày từ khi có triệu chứng ban đầu. Nguy cơ tử vong cao hơn đối với người cao tuổi, suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Khu cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định.
Do chưa có bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn của các thuốc kháng virus ức chế sao chép ngược (ARV) và các thuốc kháng virus khác, Bộ Y tế cho biết sẽ đưa ra các khuyến cáo sau khi xem xét kết quả những thử nghiệm lâm sàng của thế giới và Việt Nam.
Bộ Y tế quy định các cơ sở khám, chữa bệnh có giường nội trú, từ bệnh viện tuyến huyện và tương đương trở lên, có trách nhiệm tiếp nhận, điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ bệnh nhân nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.
Các bệnh viện phải có phương án vận chuyển người bệnh khi có chỉ định chuyển tuyến điều trị. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán dương tính không phải là điều kiện để chuyển tuyến như quy định trước đây, chỉ chuyển khi người bệnh có diễn tiến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện.