Phát hiện 6 mức độ nghiêm trọng của nCoV
Ngày đăng: 27-07-2020 08:46:24
Nhóm nghiên cứu phát hiện 6 loại nhiễm nCoV với các cụm triệu chứng, mức độ nghiêm trọng khác nhau, mở ra hướng điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.
Các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London nghiên cứu dữ liệu lưu lại trên ứng dụng theo dõi triệu chứng từ khoảng 1.600 bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ và Anh, kể từ tháng 3 và tháng 4.
Thông thường, các bác sĩ tìm kiếm những triệu chứng như ho, sốt, khứu giác kém để phát hiện các ca nhiễm nCoV. Nghiên cứu mới hé lộ có 6 mức độ mắc Covid-19 khác nhau, đi kèm các triệu chứng riêng.
"Tôi nghĩ phát hiện này rất, rất thú vị", bác sĩ Bob Lahita, không thuộc nhóm nghiên cứu, nhận xét. "Trong số những bệnh nhân sống sót tôi từng điều trị, người thì sốt, người lại không, có người buồn nôn, một số bệnh nhân bị tiêu chảy. Các biểu hiện rất khác nhau".
Theo kết quả nghiên cứu, cấp độ đầu tiên với tên gọi "giống như cúm, không sốt" có các triệu chứng đau đầu, suy giảm khứu giác, đau cơ, ho, đau họng, đau ngực. Bệnh nhân ở cấp độ này có 1,5% nguy cơ cần hỗ trợ hô hấp như thở oxy, dùng máy thở.
Y bác sĩ tại Trung tâm Y tế DHR, thành phố Edinburg, Texas, đang theo dõi kết quả chụp X-quang lồng ngực của bệnh nhân Covid-19. Ảnh: NY Times
Loại thứ hai, "giống như cúm, sốt" có các biểu hiện chán ăn, đau đầu, khứu giác kém, ho, đau họng, khàn giọng và sốt. Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 4,4% bệnh nhân thuộc nhóm này cần hỗ trợ hô hấp.
Bệnh nhân nhiễm nCoV loại thứ ba, được mô tả đơn giản là loại "đường tiêu hóa" không ho khi mắc bệnh. Thay vào đó, họ gặp các vấn đề như đau đầu, tiêu chảy, suy giảm khứu giác, chán ăn, đau họng, đau ngực. Khoảng 3,3% bệnh nhân nhóm này cần hỗ trợ hô hấp.
Lahita cho biết ba mức độ Covid-19 tiếp theo thuộc nhóm "cực kỳ nghiêm trọng".
Khi nhiễm nCoV loại hứ tư, hay "nghiêm trọng cấp độ một", bệnh nhân có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, suy giảm khứu giác, ho, sốt, khàn giọng và đau ngực. 8,6% bệnh nhân cấp độ này cần hỗ trợ hô hấp.
Loại thứ năm, "nguy hiểm cấp độ hai" gồm các triệu chứng của loại thứ tư, kèm theo chán ăn, đau họng, đau cơ. Bệnh nhân nhiễm nCoV loại thứ năm chủ yếu phân biệt với bệnh nhân nhiễm loại tư ở biểu hiện lú lẫn.
"Lú lẫn nghĩa là bạn không xác định được mình đang ở đâu, có đang nằm viện không, địa chỉ nhà ở đâu, người thân là ai", bác sĩ Lahita giải thích. "Điều này thật đáng sợ".
Gần 10% bệnh nhân thuộc nhóm này cần hỗ trợ hô hấp.
Loại nCoV nguy hiểm nhất được gọi là "nghiêm trọng cấp độ ba, bụng và hô hấp". Bệnh nhân nhiễm nCoV nhóm nặng nhất này có tất cả các triệu chứng của năm nhóm còn lại, kèm theo đau vùng bụng, khó thở, tiêu chảy. Gần 20% bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp.
Một nhóm y tá tại Trung tâm Y tế DHR vây quanh một bệnh nhân Covid-19 cao tuổi đã qua đời, tháng 7/2020. Ảnh: NY TImes
"Bệnh nhân thuộc nhóm nghiêm trọng cấp độ ba sẽ phải thở máy, khả năng sống sót sau điều trị là điều không chắc chắn", Lahita cho hay.
Các nhà khoa học Anh cũng phát hiện chỉ có 16% bệnh nhân nhiễm nCoV nhóm thứ nhất cần nhập viện so với gần 50% bệnh nhân thuộc loại 6.
So với ba nhóm đầu tiên, bệnh nhân thuộc các nhóm nghiêm trọng thường là người lớn tuổi, hoặc có các bệnh lý nền trước đó, hệ miễn dịch kém.
Các nhà khoa học hy vọng này sau khi được nghiên cứu sâu hơn, phát hiện này có thể giúp bác sĩ quyết định từng bệnh nhân Covid-19 nên được điều trị dưới hình thức nào, đồng thời dự đoán bệnh nhân thuộc nhóm mức độ bệnh nào.
"Tôi rất vui khi 6 mức độ nhiễm nCoV này được phát hiện, cung cấp cho bác sĩ ý tưởng về tiên lượng cho bệnh nhân Covid-19", Lahita nói.