Dấu hiệu nhận biết bệnh thần kinh do tiểu đường

Tuy bị tổn thương dây thần kinh nhưng một số bệnh nhân không có triệu chứng, số bệnh nhân khác lại bị đau nhức hay mất cảm giác ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và chân. Tổn thương thần kinh có thể xảy ra ở mọi cơ quan như tiêu hóa, tim, sinh dục...

Dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh thần kinh do tiểu đường? 

Biểu hiện bệnh tùy thuộc vị trí mức độ tổn thương của dây thần kinh. Trên thực tế, một số bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh nhưng không có triệu chứng gì.

Ngược lại, những bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh khác thì xuất hiện nhiều triệu chứng như: mất cảm giác, tê hay đau ở bàn chân, các triệu chứng ban đầu thường nhẹ vì dây thần kinh tổn thương đã nhiều năm, bệnh nhân đã bị bệnh trong thời gian dài mà không biết.

Dấu hiệu tổn thương thần kinh có thể là hệ thần kinh cảm giác, vận động, tự động hay không chủ động. Một số ít bệnh nhân chủ yếu bị đau nhức thần kinh tiêu điểm, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nặng.

Triệu chứng tổn thương dây thần kinh gồm: mất cảm giác, đau nhói hay đau ở ngón chân, bàn chân, cổ chân, cánh tay, bàn tay và ngón tay; teo bắp thịt ở bàn chân và bàn tay; khó tiêu, buồn nôn hay nôn; tiêu chảy hoặc táo bón; choáng váng hoặc ngất do tụt huyết áp tư thế; khó tiểu tiện; rối loạn cương dương ở nam giới và khô âm đạo ở phụ nữ; thể trạng yếu; dấu hiệu kèm theo không phải do bệnh thần kinh là trầm cảm và sút cân.

 

Tổn thương dây thần kinh mắt do tiểu đường

Những thể bệnh thần kinh do tiểu đường

Một nghiên cứu cho thấy: có khoảng 60 - 70% bệnh nhân tiểu đường bị một dạng nào đó của bệnh thần kinh. Tổn thương dây thần kinh xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, nhưng nguy cơ bệnh tăng cùng tuổi tác và thời gian đã bị bệnh tiểu đường.

Tỷ suất bị tổn thương dây thần kinh cao nhất ở những người bệnh tiểu đường từ 25 năm và gặp nhiều hơn ở bệnh nhân tiểu đường khó kiểm soát mức đường trong máu, rối loạn lipid huyết, tăng huyết áp và béo phì.

Tổn thương thần kinh do tiểu đường có thể phân chia thành các thể bệnh: ngoại vi, tự động, gần hoặc tiêu điểm. Mỗi thể bệnh tác động lên những bộ phận khác nhau của cơ thể như sau: bệnh thần kinh ngoại vi là loại tổn thương thần kinh do tiểu đường thường gặp nhất, gây đau hay mất cảm giác ở ngón chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay.

Thể bệnh thần kinh tự động: gây rối loạn các chức năng tiêu hóa, chức năng ruột và bàng quang, rối loạn đáp ứng tình dục, rối loạn tuyến mồ hôi. Bệnh có thể gây ra các rối loạn ở dây thần kinh ở tim, rối loạn kiểm soát huyết áp, tổn thương dây thần kinh ở phổi và mắt.

Bệnh rối loạn hệ thần kinh thực vật làm cho bệnh nhân tiểu đường không ý thức được mức đường xuống quá thấp đến mức nguy hiểm. Thể bệnh thần kinh gần (proximal) gây đau ở mông, đùi và làm cho chân yếu đi. Thể bệnh thần kinh tiêu điểm gây yếu đột ngột một sợi hay một nhóm dây thần kinh, gây đau hoặc yếu cơ. Bệnh thần kinh ngoại vi còn gọi là bệnh thần kinh xa đối xứng, là tổn thương dây thần kinh ở cánh tay và chân. Bàn chân và chân thường bị tác hại trước bàn tay và cánh tay.

Dấu hiệu tổn thương thần kinh ngoại vi có thể gồm: mất cảm giác hoặc không cảm nhận được đau hay nóng lạnh; cảm giác tê, rát hay ê buốt như dao đâm; mất thăng bằng và phối hợp động tác. Các dấu hiệu thường nặng lên về ban đêm.

Tổn thương thần kinh ngoại vi cũng làm cho yếu cơ và mất phản xạ, nhất là ở mắt cá, làm thay đổi dáng đi. Bàn chân bị biến dạng, yếu khoảng giữa bàn chân. Do bàn chân mất cảm giác nên dễ bị thương tích, nếu không điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn có thể lan vào xương dẫn đến phải cắt bỏ bàn chân.

Chữa trị như thế nào?

Điều trị: Cần đưa mức đường huyết xuống mức bình thường để ngăn ngừa tổn thương. Bệnh nhân tiểu đường cần được hướng dẫn và nghiêm túc thực hiện việc theo dõi mức đường huyết, kế hoạch các bữa ăn, tập thể dục vừa sức, dùng thuốc uống trị tiểu đường hay tiêm insulin nhằm kiểm soát mức đường huyết.

Để giảm đau trong bệnh đau nhức thần kinh do tiểu đường có thể dùng một trong các thuốc: chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin, imipramin, desipramin; các thuốc chống trầm cảm khác như duloxetin, venlafaxin, bupropion, paroxetin; thuốc chống động kinh như gabapentin, pregabalin carbamazepin và lamotrigin. Thuốc giảm đau nhóm á phiện và tramadol, nhóm thuốc phiện. Thuốc giảm đau thoa ngoài da như kem capsaicin, miếng dán lidocain hay keo thuốc chống viêm không steroid.

Để phòng bệnh, phương pháp tốt nhất là giữ mức đường huyết gần mức bình thường nhất. Nếu luôn giữ được mức glucose an toàn, có thể bảo vệ được thần kinh ở khắp cơ thể. Khi bị tiểu đường, bệnh nhân không nên tự mua thuốc điều trị mà nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo ThS Bùi Thị Hoa - Sức khỏe & Đời sống