Thực đơn khỏe cho người tiểu đường

Bệnh nhân đái tháo đường quá kiêng khem hoặc dùng những thức ăn có hại, đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo các bác sĩ, một chế độ ăn hợp lý với thịt cá, rau quả, đậu hũ... chế biến phù hợp sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh.

Nhân ngày hội đái tháo đường, sáng 12/11 các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM đã hướng dẫn nhiều bệnh nhân cách chọn thức ăn và nấu một số thực đơn điển hình gồm nhiều món như thịt cá, đậu hủ, tôm, các loại rau củ quả... không khác với bữa ăn của người khỏe mạnh.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cho biết thực đơn của người mắc tiểu đường vẫn rất đa dạng và bắt mắt, chứ không chỉ gói gọn trong vài món mà người bệnh nghĩ là an toàn. Song điều cần thiết là phải biết chọn thực phẩm đúng cách.

"Thực đơn nên có nhiều loại đa dạng, thay đổi món thường xuyên. Số lượng thực phẩm vừa đủ với nhu cầu cơ thể, sao cho giữ cân nặng hợp lý, giảm cân dần dần ở những người bị béo phì", bác sĩ Thủy nói.

Các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách chọn và chế biến thức ăn cho bệnh nhân trong ngày hội đái tháo đường. Ảnh: Thiên Chương

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, giờ giấc ăn ổn định để tránh tăng cao lượng đường trong máu sau bữa ăn và cũng tránh hạ đường huyết lúc xa bữa ăn. Tốt nhất là 3 bữa chính và một đến 3 bữa phụ trong một ngày.

Bữa ăn nên có nhiều thành phần thực phẩm như bột đường, đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ), béo và chất xơ (rau củ quả, đậu, ngô) giúp đường được hấp thu vào máu từ từ và kéo dài, có lợi cho người bệnh.

Nên ổn định lượng bột đường ở mỗi bữa ăn (lượng cơm, bún, khoai, trái cây) để duy trì tốt đường huyết. Trong bữa ăn nên ăn nhiều chất xơ (rau củ quả) để làm chậm hấp thu đường huyết, quét bớt cholesterol thừa khỏi ống tiêu hóa, chống táo bón và giảm nguy cơ ung thư ruột già, giúp kiểm soát cân nặng.

Tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn, lăn bột chiên, hoặc phải dùng nhiệt độ quá cao như chiên, nướng. Chế độ ăn cần phù hợp với các loại thuốc đang sử dụng.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhạt, nêm nếm mắm muối vừa phải. Tổng lượng muối mỗi ngày nên ăn dưới 6 gam (khoảng một muỗng cà phê vun muối trở xuống). Hạn chế ăn các món mặn như mắm, chao, xúc xích, lạp xưởng, giò lụa, đồ hộp, dưa cà, dưa muối, bột ngọt…

Nhóm bột đường: Nên chọn các loại thực phẩm còn nguyên vẹn (ít chà xát kỹ hoặc xay nhuyễn như gạo lức), các loại bột đường hấp thu chậm như cơm, bún, mì, miến, bánh ướt, khoai củ, ngô… trong bữa ăn hàng ngày. Các loại đường hấp thu nhanh như đường cát, bánh, kẹo, trái cây… nên hạn chế sử dụng thường xuyên, trừ trường hợp bị hạ đường huyết.

Nhóm đạm: Nên chọn thịt nạc bỏ da, nên ăn cá và hải sản, đạm thực vật như đậu hũ, đậu que, nấm… Người bị suy thận thì phải ăn ít chất đạm theo yêu cầu của bác sĩ.

Nhóm béo: Nên chọn dầu thực vật như dầu mè, nành, gấc… (trừ dầu dừa, dầu cọ), mỗi tuần nên ăn ít nhất 2 lần mỡ cá. Tránh dùng mỡ động vật (mỡ gà, lợn, bò, cừu), bơ, magarin, da, óc lợn, đồ lòng, phủ tạng (tim, gan, cật)… Người trưởng thành mỗi tuần có thể ăn tối đa 3-4 lòng đỏ trứng, người có rối loạn mỡ máu chỉ nên ăn 2 trứng một tuần. Nên ăn nhiều các loại rau cải, rau đậu để tăng lượng xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất. Nên ăn khoảng một chén rau trong mỗi bữa ăn.

Nhóm sữa: Nên chọn loại sữa không đường. Nếu dư cân béo phì nên chọn loại sữa tách béo một phần hoặc không béo.

Nhóm trái cây: Nên chọn những loại trái cây ít ngọt như cam, quýt, bưởi, thanh long, mận, táo…

Các cách làm giảm chất béo và cholesterol trong khẩu phần: Ăn thịt nên bỏ mỡ, bỏ da. Không ăn đồ lòng phủ tạng, lòng đỏ trứng: ăn 2 cái một tuần; uống sữa tách béo; hạn chế chiên xào. Chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc, kho, nướng. Dùng ít bơ, magarine, dầu; tránh ăn thức ăn mua tại nhà hàng; tăng khẩu phần về trái cây, rau. Hạn chế rượu, chỉ được uống một lon bia mỗi ngày, hay 30 ml rượu vang. Tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần. Nên đi bộ 30-60 phút một ngày.

Cũng theo bác sĩ Thủy, khả năng làm tăng đường huyết của từng người sẽ khác nhau với những thực phẩm khác nhau. Vì vậy người bệnh cần phải tư vấn bác sĩ khi thay đổi khẩu phần ăn và nhớ kiểm tra đường huyết sau ăn hai giờ để theo dõi đáp ứng của cơ thể với lượng thức ăn vừa sử dụng.

“Việc thay thế thực phẩm như bữa ăn nào muốn ăn thêm chè, trái cây thì phải giảm bớt lượng cơm, bún. Việc duy trì đường huyết ổn định, mỡ máu tốt, huyết áp tốt sẽ giúp phòng ngừa, trì hoãn hoặc điều trị các biến chứng của bệnh, cải thiện và duy trì sức khỏe người bệnh đạt mức tối ưu”, bác sĩ Thủy nói.

Bệnh đái tháo đường là bệnh lý mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đái tháo đường là một trong những căn bệnh đặc biệt nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia. Số người mắc bệnh đang gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 1995 có 135 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm 4% dân số toàn cầu. 5 năm sau có 157 triệu người mắc, chiếm 4,8% dân số toàn cầu. Dự báo đến năm 2025 con số này sẽ là 300 triệu, trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương có số người mắc bệnh đông nhất với 44 triệu, Đông Nam Á 35 triệu, tốc độ gia tăng ở các nước đang phát triển là 170%.

Thiên Chương - vnexpress.net