Đái tháo đường thai kỳ

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose được xác định lần đầu tiên trong thời gian mang thai và sẽ hết sau khi sanh.

Phân biệt với đái tháo đường type 1 hay type 2: được chẩn đoán lúc đầu ngoài thời gian mang thai.

 

Dịch tể học:

* Đái tháo đường thai kỳ là rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất của thai kỳ.

* Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến khoảng 170.000 (1-14%) phụ nữ mang thai mỗi năm ở Hoa Kỳ, tùy thuộc vào tiêu chuẩn chẩn đoán và đặc điểm của dân số.

* 30-50% phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ sẽ bị đái tháo đường thai kỳ tái phát ở lần mang thai sau.

* 20-50% phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ sẽ chuyển thành đái tháo đường type 2 trong 5-10 năm sau khi sinh

* Phân tích gần đây cho thấy: đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ thành đái tháo đường type 2 thật sự gấp 7,4 lần.

Tại sao bị đái tháo đường thai kỳ?

Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra nhiều hormone giúp cho bào thai phát triển, những hormone này có thể làm tăng đường huyết ở những thai phụ có nguy cơ cao.
Ngoài ra, do tăng cân trong thời gian mang thai sẽ làm cho cơ thể người mẹ đề kháng với insulin. Cả 2 quá trình này góp phần làm tăng đường huyết trong thờigi an mang thai. Sau khi sanh, khi các hormone trở về bình thường, đường huyết của người mẹ cũng sẽ trở lại bình thường.

2. Điều trị Đái tháo đường thai kỳ

 

Điều trị đái tháo đường thai kỳ nhằm giữ đường huyết nằm trong giới hạn bình thường

a) Điều trị bao gồm: 

*           Thực hiện chế độ ăn hợp lý

*           Hoạt động thể lực

*           insulin (khi cần thiết) 

Chế độ ăn 

Cần có chế độ ăn phù hợp có lợi cho mẹ và thai nhi, đồng thời giữ đường huyết trong giới hạn bình thường.

Thai phụ nên: 

*           Giới hạn thức ăn nhiều tinh bột

*           Ăn 3 bữa nhỏ và từ 1 tới 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày.

*           Ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ dưới dạng trái cây, rau xanh, gạo nguyên hạt, ngũ cốc, bánh mì

*           Hoạt động thể lực đều đặn giúp ổn định đường huyết

Hoạt động thể lực 

Hoạt động thể lực như đi bộ hay bơi lội sẽ giúp ổn định đường huyết.

Insulin

Nếu thực hiện chế độ ăn và hoạt động thể lực không ổn định được đường huyết, bệnh nhân cần phải được tiêm insulin để hạ đường huyết. Insulin không ảnh hưởng gì tới thai nhi.

b) Theo dõi đường huyết

Bệnh nhân nên có một máy đường huyết cá nhân và thử đường huyết vào các thời điểm sau:

*           Khi mới thức dậy

*           Trước mỗi bữa ăn

*           1 hay 2 giờ sau ăn

Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ nên giữ đường huyết trong giới hạn sau: 

Khi mới thức dậy: < 95 mg/dl

1 giờ sau ăn: < 140 mg/dl

2 giờ sau ăn: < 120 mg/dl

Mỗi khi thử đường huyết, bệnh nhân nên ghi lại kết quả để bác sỹ theo dõi.

Theo dõi sau sanh

Sau sanh 6 tới 12 tuần, bệnh nhân nên xét nghiệm lại đường huyết để xác định đường huyết có trở về bình thường hay không? Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, đường huyết sẽ trở về bình thường sau sanh.

 Tuy nhiên thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ lần sau và có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 sau này.

3. Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng trên mẹ

 

Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng nhưng có có thể:

*           Tăng nguy cơ bị cao huyết áp trong thời kỳ mang thai

*           Nếu có bệnh lý võng mạc sẽ làm bệnh nặng thêm

*           Dễ nhiễm trùng

*           Nguy cơ cao bị nhiễm độc thai nghén

*           Dễ sanh non hay sẩy thai

*           Có nguy cơ thai to và phải sanh mỗ.

Tin tốt cho sản phụ bị Đái tháo đường thai kỳ là sau sanh đường huyết sẽ trở về bình thường, tuy nhiên có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 sau này. Nếu sau này có thai, có thể sẽ lại bị đái tháo đường thai kỳ

4. Ảnh hưởng của Đái tháo đường lên thai nhi

 

Đái tháo đường thai kỳ nếu không được điều trị, có thể có nhiều tác dụng xấu trên thai nhi:

*           Thai lớn có thể gây sanh khó và nguy hiểm cho thai nhi

*           Tăng khối lượng mỡ cơ thể thai dẫn đến thai to(>4kg) gây sinh khó.

*           Ức chế sự trưởng thành ở phổi do thiếu surfactant, gây nguy ngập hô hấp ở trẻ sơ sinh.

*           Giảm kali máu và dễ gây rối lọan nhịp tim.

*           Hạ đường huyết sơ sinh sau khi sanh

*           Hạ can-xi máu sơ sinh (liên quan đến suy cận giáp chức năng)

*           Đa hồng cầu (liên quan đến thiếu oxy mô)

*           Tăng nguy cơ sinh non

*           Nếu mẹ bị Đái tháo đường thai kỳ, cả mẹ và con đều có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 sau này.

5. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

 

a) Triệu chứng: 

 Triệu chứng cổ điển của tăng đường huyết (như uống nhiều, tiểu nhiều, nhìn mờ,nhiễm nấm âm đạo) phản ánh đường trong máu thường trên 180 mg/dl. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng.

b) Chẩn đoán:

Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ dực vào xét nghiệm dung nạp Glucose

Hướng dẫn mới 2011 của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ về thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose: Bệnh nhân được nhịn đói và rút máu đo đường huyết tương. Sau đó bệnh nhân được cho uống 75g Glucose. Đo lại đường huyết tương sau khi uống 1 giờ và 2 giờ.

Xét nghiệm dung nạp Glucose phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ.

Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ được thiết lập khi có một trong các giá trị đường huyết sau đây:

Đường huyết đói> 92 mg/dl (5,1 mmol/l), hoặc

Đường huyết sau 1 h> 180 mg/dl (10,0 mmol/l) hoặc

Đường huyết sau 2 giờ> 153 mg/dl (8,5 mmol/l).

6. Những yếu tố nguy cơ của Đái tháo đường thai kỳ

Nguy cơ của Đái tháo đường thai kỳ: 

 

*           >25 tuổi

*           Thừa cân hay béo phì

*           Tiền căn gia đình bị Đái tháo đường (Cha,mẹ, anh chị em ruột bị Đái tháo đường)

*           Tiền căn bất thường chuyển hóa Glucose

*           Tiền căn về bệnh sản khoa

*           Tiền căn sinh con > 4kg

*           Tiền căn có hội chứng buồng trứng đa nang

*           Thuộc các sắc dân: latinh/Tây Ban Nha, Mỹ gốc Á,thổ dân Châu Mỹ,Cư dân quần đảo Thái Bình Dương

*           Đường huyết đói >85 mg/dl hay

*           Tiền Đái tháo đường: đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa cao tới mức chẩn đoán Đái tháo đường. Có 2 dạng: rối loạn dung nạp glucose và rối loạn đường huyết đói.

*           Những yếu tố nguy cơ cao bao gồm:

*           Béo phì,

*           Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ hoặc từng sanh con > 4kg,

*           Đường niệu +,

*           Hội chứng buồng trứng đa nang

*           Gia đình có tiền sử bệnh đái tháo đường

Những sản phụ này cần được xét nghiệm để xác định có phải bị đái tháo đường type 2 thực sự hay không.

Nếu xét nghiệm bình thường, làm lại xét nghiệm vào tuần thứ 24-28 (theo ADA Standards of Medical Care 2010) để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Phụ nữ nguy cơ thấp khi có đủ các tiêu chuẩn sau không cần xét nghiệm glucose:

*           Tuổi <25,

*           Có trọng lượng bình thường trước khi mang thai,

*           Thuộc dân số có tỷ lệ thấp đái tháo đường type 2

*           Không có tiền sử gia đình của bệnh đái tháo đường,

*           Không có tiền sử bất thường dung nạp glucose hoặc tai biến sản khoa.

Phụ nữ có nguy cơ trung bình: có những yếu tố nguy cơ không thuộc nhóm nguy cơ cao. Nên được xét nghiệm dung nạp Glucose vào tuần thứ 24-28 của thai kỳ để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Daithaoduong.com