Đái tháo đường type 2

Bệnh tiểu đường loại 2 phát sinh do cơ thể mất khả năng sử dụng tốt insulin để duy trì đường huyết ở trong mức bình thường. Do đó, ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn mức bình thường.

1.    Đái tháo đường type 2

2.    Điều trị

3.    Biến chứng của đái tháo đường

4.    Triệu chứng và chẩn đoán

5.    Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2

 

1.    Đái tháo đường type 2:

 

a)    Khái niệm:

Đái tháo đường type 2 là type thường gặp nhất, đa số là bệnh nhân lớn tuổi, béo phì, ít vận động, có anh chị, bố mẹ bị đái tháo đường...

Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, tuyến tụy vẫn còn sản xuất được insulin - một loại hormone giúp đưa đường glucose từ máu vào tế bào để tạo năng lượng - tuy nhiên, insulin lại giảm tác dụng do sự đề kháng của các mô trong cơ thể. Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 lâu năm, tế bào tuyến tụy cũng không còn sản xuất insulin nữa, khi đó cơ thể thật sự thiếu insulin.

Hiện nay, không có phương cách điều trị dứt điểm Đái tháo đường type 2, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và thậm chí phòng ngừa căn bệnh này. Bắt đầu bằng chế độ ăn khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên nhằm duy trì trọng lượng lý tưởng. Nếu chế độ ăn và tập thể dục không đủ để ổn định được đường huyết, có thể cần phải uống thuốc hay tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.

b)    Nguyên nhân:

Đái tháo đường type 2 xãy ra khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin hay khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin. Tại sao điều này lại xãy ra thì không biết chính xác, mặc dù thừa cân, béo phì và lối sống ít vận động là những yếu tố góp phần quan trọng.

Insulin là hormone được tiết ra từ tuyến tụy, một tuyến lớn nằm sau dạ dày. Sau khi ăn, tuyến tụy sẽ tiết insulin vào máu. Khi vào máu, insulin sẽ hoạt động như những chìa khóa mở những cánh cửa cho phép đường đi vào tế bào, nhờ thế mà hạ đường huyết trong máu.

Glucose — một dạng đường đơn — là nguồn năng lượng chủ yếu của tế bào để tạo nên cơ và những mô khác. Glucose được tạo ra từ 2 nguồn chính: từ thức ăn và từ gan. Sau khi thức ăn được tiêu hóa, đường được hấp thu vào máu. Bình thường, đường sẽ vào tế bào với sự giúp đở của Insulin.

Gan hoạt động như là trung tâm dự trữ và sản xuất insulin. Khi insulin giảm thấp trong máu (như khi chúng ta nhịn đói một thời gian) gan sẽ chuyễn hóa glycogen dự trữ thành glucose để giữ mức độ đường trong máu nằm trong giới hạn bình thường.

Trong Đái tháo đường type 2, quá trình này hoạt động không bình thường, thay vì vào trong tế bào, glucose lại tăng cao trong máu. Lý do vì tuyến tụy không tiết đủ insulin hay tế bào trở nên đề kháng với hoạt động của insulin.

Glucose tăng cao trong máu gây nên bệnh đái tháo đường

2.    Điều trị:

 

Điều trị Đái tháo đường type 2 đòi hỏi tuân thủ lâu dài những việc sau:

      Theo dõi đường huyết

      Chế độ ăn hợp lý

      Tập thể dục thường xuyên

      Thuốc hạ đường huyết uống hay insulin

Những bước trên nhằm giúp đưa đường huyết về gần với bình thường nhằm giúp phòng ngừa hay làm chậm biến chứng Đái tháo đường.

a)    Theo dõi đường huyết:

Tùy theo kế hoạch điều trị, mà bạn cần xét nghiệm đường huyết một hay nhiều lần trong ngày. Theo dõi đường huyết thường xuyên là cách giúp ổn định đường huyết.Bạn phải học cách thay đổi những vấn đề sau để ổn định đường huyết:

      Thức ăn: Ăn thức ăn gì và ăn như thế nào để tránh tăng đường huyết. Đường huyết thường cao nhất sau 1- 2 giờ sau ăn. Hãy hỏi Bác sỹ chuyên khoa Nội tiết hay chuyên gia dinh dưỡng để được giúp đở.

      Hoạt động thể lực: Hoạt động thể lực sẽ đưa đường huyết vào trong tế bào. Hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giúp hạ được đường huyết.

      Thuốc: Nhiều thuốc tác động lên đường huyết, đôi khi cần thay đổi kế hoạch điều trị đái tháo đường.

      Bệnh khác: Khi bị cảm hay bệnh khác, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều hormone làm tăng đường huyết.

      Rượu bia: Rượu bia và những chất hòa tan trong rượu có thể gây tăng hay giảm đường huyết, tùy theo lượng rượu mà bạn uống và thức ăn

      Stress: Khi bị Stress cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều hormone để chống stress, nhưng những hormone này cũng làm insulin hoạt động không hiệu quả.

b)    Chế độ ăn khỏe mạnh:

Bạn không cần phải thực hiện chế độ an kiêng khem quá mức, bạn nên ăn nhiều thức ăn:

      Rau tươi

      Lúa mì nguyên hạt...

Những thức ăn này nhiều dinh dưỡng mà lại ít chất béo và năng lượng. Bạn cũng nên hạn chế thức ăn ngọt và những thức ăn chế biến từ bột, gạo.

Thức ăn có chỉ số đường huyết thấp: có thể rất hữu dụng. Chỉ số đường huyết là chỉ số đánh giá tốc độ thức ăn làm tăng đường trong máu.Thức ăn có chỉ số đường huyết cao sẽ làm tăng nhanh đường huyết. Những thức ăn giàu chất xơ có chỉ số đường huyết thấp

c)    Hoạt động thể lực:

Bất cứ ai cũng cần tập thể dục đều đặn và bệnh nhân Đái tháo đường cũng không ngoại lệ. Hỏi ý kiến Bác sỹ trước khi bắt đầu chọn môn thể thao để tập. Sau đó chọn môn thể thao mà bạn yêu thích, như là đi bộ, bơi lội… Quan trọng là tập đều đặn mỗi ngày, nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên bắt đầu tập nhẹ rồi tăng dần cường độ tập.

Nên nhớ rằng, hoạt động thể lực sẽ giúp hạ đường huyết. Kiểm tra đường huyết trước khi tập. Bạn cũng nên ăn nhẹ trước khi tập để tránh hạ đường huyết nếu bạn đang uống thuốc hạ đường huyết hay đang chích insulin.

d)    Thuốc điều trị Đái tháo đường và Insulin:

Một số bệnh nhân Đái tháo đường type 2 có thể kiểm soát đường huyết chỉ bằng chế độ ăn và tập thể dục, nhưng nhiều bệnh nhân khác cần uống thuốc hay tiêm insulin để ổn định đường huyết. Uống thuốc nào là do bác sỹ quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố để lựa chọn. Có thể phải phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát đường huyết:

      Thuốc điều trị Đái tháo đường: Thông thường, bệnh nhân mới được chẩn đoán sẽ được kê toa metformin (Glucophage), một thuốc giúp làm gan giảm sản xuất đường. Bác sỹ cũng sẽ khuyên thay đổi lối sống như: giãm cân,hoạt động thể lực nhiều hơn…

Cùng với metformin, những thuốc hạ đường huyết khác có thể được sử dụng để điều trị Đái tháo đường type 2. Một số thuốc kích thích tuyến tụy tăng sản xuất và phóng thích insulin(nhóm thuốc sulfonyureas). Nhóm acarbose sẽ ức chế men phân giải carbohydrates và làm giảm đường huyết sau ăn.Thêm vào đó, bác sỹ có thể phải kê toa aspirin liều thấp và thuốc hạ huyết áp, giãm lipid máu để giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch.

Insulin: Một số bệnh nhân Đái tháo đường type 2 cần điều trị bằng insulin. Vì insulin sẽ bị tiêu hóa khi uống nên insulin phải dùng bằng đường tiêm.

Các loại insulin: Insulin có nhiều loại dựa vào thời gian tác dụng của nó, bao gồm:

Insulin tác dụng nhanh,ví dụ: insulin lispro (Humalog), insulin aspart (NovoLog)

Insulin tác dụng trung bình như: Insulin N, Insulin Lent

Insulin tác dụng chậm như: insulin glargine (Lantus) and insulin detemir (Levemir).

Tùy theo mỗi bệnh nhân mà bác sỹ có thể kê toa insulin hỗn hợp để có thể kiểm soát đường huyết cả ngày.

e)    Tuân thủ điều trị:

Để điều trị tốt bệnh đái tháo đường bạn cần nắm vững những việc sau:

      Tìm hiểu về bệnh đái tháo đường: Tìm hiểu những kiến thức về Đái tháo đường type 2. Thực hiện chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Thiết lập mối quan hệ với nhân viên y tế để được giúp đở khi cần thiết

      Lên kế hoạch khám bệnh định kỳ: Bệnh nhân cần được tái khám định kỳ, đo huyết áp mỗi lần thăm khám. Khám mắt định kỳ hàng năm. Xét nghiệm kiểm tra HbA1c mỗi 3-6 tháng, Kiểm tra chức năng thận, gan, mỡ trong máu mỗi 6 tháng.

      Tiêm phòng: Đường huyết tăng cao làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó nên tiêm phòng cúm hàng năm là cần thiết.

      Chăm sóc răng: Đái tháo đường dể gây viêm lợi, do đó bạn cần chăm sóc răng miệng thật tốt, khám nha sỹ ít nhất 2 lần mỗi năm

      Chăm sóc bàn chân: Rửa chân hàng ngày với nước ấm, lau khô chân sau tắm, đặc biệt giữa các ngón chân. Kiểm tra chân hàng ngày để phát hiện những vùng trên chân bị vết thương, bóng nước, đỏ, nóng.

      Giữ huyết áp và Cholesterol trong giới hạn bình thường: Ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol. Uống thuốc cũng rất cần thiết.

      Ngưng thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị biến chứng đái tháo đường, bao gồm: nhồi máu cơ tim, tai biến, tổn thương thần kinh và thận.Bệnh nhân đái tháo đường hút thuốc lá có nguy cơ tử vong do tim mạch tăng gấp 3 lầnso với người không hút thuốc.

Bệnh nhân Đái tháo đường phải học cách bỏ thuốc lá

      Rượu bia: Chất cồn có thể gây tăng hay hạ đường huyết tùy theo lượng rượu bia mà bạn uống vào và lượng thức ăn khi uống rượu bia. Mỗi ngày không nên uống nhiều hơn 2 lon bia.

      Stress: Khi bị stress sẽ làm tăng đường huyết. Hãy thư giãn, ngủ đủ giấc, nếu cần có thể khám bác sỹ để được kê toa chống trầm cảm

Đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng, tuy nhiên nếu được điều trị và kiểm soát chặc chẻ chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được những biến chứng trên. Hãy sống chung và kiểm soát Đái tháo đường type 2.

3.    Biến chứng của đái tháo đường:

 

Bệnh đái tháo đường type 2 dễ dàng bị bỏ qua, đặc biệt trong giai đoạn sớm khi mà bệnh nhân vẫn còn thấy khỏe mạnh. Nhưng Đái tháo đường đã tác động lên rất nhiều cơ quan, bao gồm: tim, mạch máu, mắt, thần kinh và thận. Kiểm soát đường huyết sẽ giúp phòng ngừa được những biến chứng này.

Mặc dù biến chứng Đái tháo đường diễn tiến từ từ trong khoảng thời gian dài nhưng cuối cùng có thể gây ra tàn phế và thậm chí đe dọa tính mạng. Một số biến chứng quan trọng bao gồm:

      Biến chứng cấp tính: Tăng đường huyết quá cao có thể đưa bệnh nhân vào hôn mê nhiễm ceton hay hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Tử vong do hôn mê tăng đường huyết là rất cao.

      Biến chứng tim và mạch máu: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành với cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

      Biến chứng thần kinh (neuropathy): Đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng những sợi thần kinh, đặc biệt ở chân. Tổn thương này gây ra các triệu chứng: châm chích như kiến bò, tê chân, nóng rát hay đau thường bắt đầu từ các ngón chân, ngón tay và lan dần lên. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt có thể gây mất toàn bộ cảm giác ở chi

Tổn thương những sợi thần kinh tự động kiểm soát việc tiêu hóa có thể gây buồn nôn, ói mữa, tiêu chảy hay táo bón. Đối với đàn ông, có thể bị rối loạn cương dương.

      Biến chứng thận (Nephropathy): Thận chứa hàng triệu búi mạch máu nhỏ có chức năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể. Đái tháo đường có thể gây tổn thương những hệ thống lọc này. Cuối cùng có thể dẫn tới suy thận hay bệnh thận giai đoạn cuối không thể phục hồi được, khi đó cần phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.

      Biến chứng mắt: Đái tháo đường có thể gây tổn thương mạch máu ở võng mạc (bệnh võng mạc do Đái tháo đường), có thể dẫn tới giảm thị lực hay mù hoàn toàn. Đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý mắt khác như đục thủy tinh thể và glaucoma.

      Biến chứng chân: Tổn thương thần kinh ở chân và giảm tưới máu chân làm tăng nguy cơ của nhiều biến chứng trên bàn chân. Nếu không được điều trị, các vết thương hay nốt phồng sẽ bị nhiễm trùng. Nếu tổn thương trầm trọng có thể phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hay cả chân để cứu tính mạng bệnh nhân.

      Tổn thương ở da và miệng: Đái tháo đường có thể làm cho da dễ bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm. Viêm lợi có thể xãy ra.

      Loãng xương: Đái tháo đường có thể làm giảm đậm độ xương hơn bình thường, tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương.

      Bệnh Alzheimer: Đái tháo đường type 2 có thể tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Đường huyết không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Một giả thuyết cho rằng những biến chứng mạch máu do đái tháo đường có thể gây mất trí nhớ bằng cách làm tắc nghẽn mạch máu tới não và gây đột quị. Khả năng khác là có quá nhiều insulin trong mạch máu dẫn tới tổn thương não do quá trình viêm hay thiếu hụt insulin trong não đã tước đoạt glucose của tế bào não.

      Nghe kém: Đái tháo đường có thể gây nghe kém.

4.    Triệu chứng và chẩn đoán:

Triệu chứng của Đái tháo đường type 2 có thể không rỏ ràng trong nhiều năm và có thể không nhận ra.

 

a)    Một số triệu chứng thường gặp:

      Khát nước và tiểu nhiều: Khi đường huyết tăng cao trong máu, dịch sẽ bị kéo ra khỏi mô và kích thích gây khát, hậu quả là bệnh nhân phải uống nước nhiều và sẽ tiểu nhiều hơn bình thường.

      Đói: Không đủ insulin, đường không vào được tế bào, cơ và các cơ quan trong cơ thể sẽ đói năng lượng. Gây ra cảm giác đói.

      Sụt cân: Mặc dù ăn nhiều hơn bình thường để giảm cảm giác đói nhưng bệnh nhân vẫn sụt cân vì các tế bào không sử dụng được Glucose để tạo năng lượng, khi đó cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng khác để thay thế: cơ và mỡ.

      Mệt mỏi: Khi tế bào đói năng lượng, nh nhân trở nên mệt mỏi và cáu kỉnh.

      Nhìn mờ: Nếu đường huyết quá cao, dịch trong trong nhãn cầu bị kéo ra ngoài, làm nhãn cầu xẹp lại.

Khi khả năng điều tiết của mắt sẽ bị ảnh hưởng, gây ra triệu chứng nhìn mờ

      Vết thương lâu lành và nhiễm trùng tái phát thường xuyên:

Đái tháo đường type 2 làm giảm khả năng lành vết thương và giảm sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật nên nhiễm trùng thường tái đi tái lại.

      Mảng da sậm màu:

Một số bệnh nhân Đái tháo đường type 2 có những đốm sậm màu trên những vùng nếp gấp trên cơ thể, thông thường ở nách và cổ, những dấu hiệu đó người ta gọi là gai đen. Một dấu hiệu của sự đề kháng insulin.

b)    Chẩn đoán:

Trong tháng 6/ 2009, một hội nghị quốc tế bao gồm các chuyên gia của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ,Hội nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu và Liên hiệp Đái tháo đường Thế giới đã đưa ra xét nghiệm cho Đái tháo đường type 2 bao gồm:

      Glycated hemoglobin (HbA1C) test: Xét nghiệm máu này chỉ ra đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 2-3 tháng trước. Bằng cách đo phần trăm glucose gắn vào hemoglobin - một protein mang oxy trong hồng cầu.Khi đường huyết tăng cao trong máu, nhiều hemoglobin sẽ gắn với đường hơn. Nếu Hb A1C > 6.5% trên 2 mẫu xét nghiệm riêng biệt chứng tỏ bệnh nhân bị đái tháo đường. Kết quả giữa 6 và 6.5 %: có thể bệnh nhân bị tiền-đái tháo đường,nguy cơ cao bị Đái tháo đường type 2.

Nếu phòng xét nghiệm không thử được HbA1C hay trong một số tình huống xét nghiệm HbA1c sẽ không chính xác như thai kỳ hay hemoglobin có dạng không bình thường. Bác sỹ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác để chẩn đoán đái tháo đường:

      Xét nhiệm đường huyết ngẫu nhiên: Một mẫu máu được lấy bất cứ lúc nào, không quan tâm tới thời điểm bữa ăn sau cùng. Đường huyết ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dL chẩn đoán đái tháo đường.

      Xét nghiệm đường huyết đói: Một mẫu máu được lấy sau khi nhịn đói một đêm. Nếu đường huyết đói ≥126 mg/dL , chẩn đoán là đái tháo đường.

      Tesst dung nạp Glucose: Để làm xét nghiệm này, bệnh nhân cần nhịn đói. Đường huyết khi đói được xét nghiệm, sau đó bệnh nhân được cho uống 75 gram dung dịch Glucose. Đường huyết được đo sau 2 giờ. Nếu đường huyết vào thời điểm 2 giờ sau uống dung dịch Glucose > 200 mg/dL , chẩn đoán đái tháo đường. Nếu đường huyết 2 giờ từ140 tới 199 mg/dL ,chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose, một dạng tiền-đái tháo đường.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên tầm soát thường xuyên Đái tháo đường type 2 bắt đầu trên bệnh nhân trên 45, đặc biệt nếu bạn bị thừa cân. Nếu kết quả bình thường , lập lại xét nghiệm sau 3 năm. Nếu kết quả mấp mé giới hạn cao, bạn nên hỏi Bác sỹ khi nào thì xét nghiệm trở lại. Tầm soát cũng được khuyến cáo cho bệnh nhân < 45 tuổi nếu thừa cân và có yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm, như: ít vận động, tiền căn gia đình có người bị Đái tháo đường type 2, hay bản thân từng bị đái tháo đường thai kỳ, hay huyết áp >135/80 mm Hg.

Nếu bạn được chẩn đoán đái tháo đường,bác sỹ sẽ làm những xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt giữa Đái tháo đường type 1 và type 2.

5.    Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2:

Hiện nay vẫn chưa biết rỏ tại sao có người bị Đái tháo đường trong khi người khác lại không. Nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị Đái tháo đường, bao gồm:

 

      Thừa cân: Thừa cân là yếu tố nguy cơ nguyên phát đối với Đái tháo đường type 2. Nhiều mô mỡ sẽ làm cho các tế bào trở nên đề kháng với insulin. Béo phì vùng bụng có nguy cơ rất cao bị đái tháo đường.

      Lối sống thụ động: Ít vận động là yếu tố nguy cơ lớn của Đái tháo đường type 2. Hoạt động thể lực sẽ giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, tăng sử dụng glucose để tạo nên năng lượng và giúp tế bào nhạy cảm hơn với insulin (làm insulin hoạt động tốt hơn )

      Tiền căn gia đình: Nếu có người thân trong gia đình (cha, mẹ, anh chị em ruột) bị Đái tháo đường type 2 thì sẽ có nguy cơ bị Đái tháo đường type 2 cao hơn.

      Sắc tộc/chủng tộc: Mặc dù không biết tại sao nhưng những người thuộc những sắc tộc sau có nguy cơ bị Đái tháo đường type 2 cao hơn người khác ,bao gồm những sắc tộc sau: Người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha, thổ dân da đỏ và người Mỹ gốc Á. Người châu Á chúng ta đã là nguy cơ bị đái tháo đường cao.

      Tuổi: Nguy cơ Đái tháo đường type 2 tăng khi lớn tuổi, đặc biệt sau tuổi 45. Có thể khi lớn tuổi bệnh nhân có khuynh hướng ít hoạt động thể lực hơn, giảm khối lượng cơ và tăng cân. Tuy nhiên Đái tháo đường type 2 càng ngày xãy ra càng nhiều trên bệnh nhân trẻ tuổi.

      Tiền Đái tháo đường: Tiền Đái tháo đường là tình trạng đường huyết tăng cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán Đái tháo đường type 2. Nếu không được điều trị, tiền-Đái tháo đường có khuynh hướng tiến triển thành Đái tháo đường type 2.

      Đái tháo đường thai kỳ: Nếu sản phụ bị Đái tháo đường thai kỳ ,sẽ tăng nguy cơ bị Đái tháo đường type 2 sau này. Nếu sản phụ sanh con >4 kilograms cũng tăng nguy cơ bị Đái tháo đường type 2.

      Hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu: cũng là những yếu tố nguy cơ bị đái tháo đường type 2

daithaoduong.com