Thời gian gần đây đồng nghiệp của tôi than vãn là thường xuyên bị "quấy rầy" bởi những cú điện thoại, liên quan đến một vấn đề xưa cũ: đo nhiệt độ cho trẻ. Một số phụ huynh nói là sao tôi thấy hình như con tôi sốt, mà đo nhiệt độ thì vẫn bình thường, sau đó ít phút cháu bị co giật. Người khác thì gọi bảo con tôi bị hạ thân nhiệt đột ngột; người thì bảo con em "trăm độ". Ly kỳ hơn là một hôm bỗng nhiên một bà mẹ hốt hoảng báo rằng con bà đang mắc một chứng bịnh kỳ lạ: một nửa người sốt, một nửa người hạ thân nhiệt! Điều đáng lưu ý ở đây là những người này đều đã dùng loại thiết bị đo nhiệt độ hiện đại nhất - Thermoscan, mà được quảng cáo là nhanh, tiện dụng, an toàn, đẹp; và hiện nay rất nhiều gia đình đã mua và sử dụng. Trong khi đó, tính đơn giản và độ chính xác là điều quan tâm nhất của một thiết bị đo nhiệt độ thì như thế nào? Chính vì vậy mà bài viết này với mục đích góp một lời khuyên cho các bậc phụ huynh lưu tâm khi sử dụng cặp nhiệt độ.
Chỉ mỗi việc đo thân nhiệt thôi mà sao rắc rối thế này? Chả là những năm gần đây, kỹ thuật cao đã đưa ngành thiết bị Y học bước những bước tiến đáng kể, và đã chứng tỏ là có ích cho việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn. Theo chiều hướng đó cái đo nhiệt độ (cặp nhiệt độ) cũng đã được phát triển. Từ thời kỳ sơ khai là cảm nhận bằng tay; đến cái ống thuỷ (dùng thuỷ ngân, nên còn được gọi là ống thuỷ); đến hai thập niên nay cặp nhiệt độ phát triển đến là sử dụng loại có "mắt thần" (sensor) dán lên da là đọc được; rồi điện tử kỹ thuật số (digital) có hệ thống báo phát ra tiếng kêu để báo khi thân nhiệt đã được xác định (beeper). Thật tiện lợi. Gần đây nhất, các nhà sản xuất thiết bị y tế tung ra thị trường một máy đo nhiệt độ mới là Thermoscan ( nhiệt kế điện tử ), tức là đo thân nhiệt dùng thiết bị quét, nguyên lý hoạt động hiểu nôm na là có một cái màng lọc nhận cảm nhiệt độ do cơ thể phát ra, mà cụ thể là đo qua lỗ tai.
Trước hết tôi muốn nhắc lại về thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể) và tại sao phải đo thân nhiệt. Tôi không đi sâu về chuyên môn cũng như nguyên nhân sốt (tăng thân nhiệt) vì không phải mục đích của bài viết này. Cơ thể con người là một cơ thể hằng nhiệt có nghĩa là một cơ thể bình thường, trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thì vẫn luôn giữ được một nhiệt độ ổn định. Tuy nhiên sự phân bố nhiệt trong cơ thể thì không đồng đều. Có hai loại thân nhiệt là thân nhiệt trung tâm và thân nhiệt ngoại vi. Thân nhiệt trung tâm là nhiệt độ ở phần sâu trong cơ thể, chính xác nhất là đo tại vùng mạch máu và mô quanh trung tâm điều hoà nhiệt ở não. Thân nhiệt trung tâm phân bổ dọc từ não xuống phần sâu của đầu, mặt, cổ, thân mình, bình thường dao động xung quanh 36,2 đến 37,2oC. Thân nhiệt trung tâm có thể đo được ở hậu môn hoặc là màng nhĩ qua ống tai. Nhiệt độ ở tứ chi và phần nông của cơ thể là thân nhiệt ngoại vi. Thân nhiệt ngoại vi có thể đo ở nách hoặc miệng, thấp hơn thân nhiệt trung tâm 0,5oC. Dựa trên nguyên lý đó mà các thiết bị đo thân nhiệt ra đời.
Cơ thể có phản ứng sốt khi có nguyên nhân, mà nguyên nhân gây sốt hay gặp ở trẻ em là nhiễm trùng (vi khuẩn, siêu vi khuẩn, v.v..). Về cơ bản sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể, cơ thể khoẻ mới có phản ứng sốt. Cho nên sốt là phản ứng tốt. Tuy nhiên nếu sốt cao quá thì lại có hại cho cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ, phản ứng điều nhiệt kém. Khi nhiệt độ tăng cao có thể làm cho trẻ co giật, nặng hơn là làm cho các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn hoạt động, và rất dễ dẫn đến tử vong. Khi trẻ sốt ta nên đến bác sĩ để xác định nguyên nhân sốt mà chữa trị, tuy nhiên để an toàn cho trẻ ta phải biết theo dõi và kiểm soát thân nhiệt cho trẻ. Khi nào nên hạ sốt cho trẻ hầu tránh các tai biến do sốt gây ra.
Để xác định được trẻ có bị sốt hay không quả tình rất dễ, không cần thiết bị gì ai cũng làm được. Chỉ cần đặt lưng một bàn tay lên trán của mình, lưng bàn tay còn lại trên trán của trẻ thì ta có thể xác định được sự khác biệt về thân nhiệt rồi. Những bà mẹ cho con bú thì khi cho trẻ bú, cũng dễ dàng nhận ra trẻ sốt qua hơi nóng truyền từ miệng trẻ qua bầu ngực của mình. Tuy nhiên muốn xác định trẻ sốt ở mức độ nào để có cách xử trí đúng, thì phải cần có thiết bị đo nhiệt đoä đã nêu ở trên. Thân nhiệt trung tâm đo được từ 37,5 đến 37.9oC gọi là sốt nhẹ, từ 38 đến 38.5oC là sốt vừa, trên 38.5oC là sốt cao (phân loại này có thể thay đổi, nhưng không đáng kể).
Bây giờ ta tìm hiểu sơ qua về thiết bị đo nhiệt mới nhất hiện nay về cấu trúc, tính năng công dụng của nó so với các loại đo nhiệt độ thuộc các thế hệ trước (ống thuỷ, điện tử...).
|
Thermoscan |
Cặp nhiệt thế hệ trước |
Cấu trúc, hình thức |
- Phức tạp, nhiều nút chức năng, bộ phận tách rời - Đẹp, vẻ dáng hiện đại, chuyên nghiệp |
- Thiết bị đồng nhất - Đơn điệu |
Hoạt động |
Đo thân nhiệt trung tâm qua ống tai |
Đo thân nhiệt trung tâm qua hậu môn, thân nhiệt ngoại vi qua nách hay miệng |
Ưu điểm |
Thân nhiệt ống tai gần đúng với thân nhiệt trung tâm nhất vì gần trung tâm điều nhiệt |
- Đo thân nhiệt ngoại vi không phản ánh trung thực thân nhiệt trung tâm. -Nhiệt độ hậu môn không chính xác bằng nhiệt độ đo ở tai; có thể bị nhiễm trùng chéo. |
Nhanh, 1 lần đo chỉ mất vài giây đồng hồ! |
Mỗi lần đo tối thiểu 5 phút, có thể kéo dài đến 10 phút |
|
An toàn vì thiết bị nằm trong tay người lớn |
Có thể gây nguy hiểm, nhất là ngậm miệng, đặt hậu môn |
|
Dễ đo với trẻ em |
Khó hợp tác |
|
Độ chính xác |
Phụ thuộc nhiều yếu tố được trình bày dưới đây |
Phụ thuộc thời gian, vị trí cặp, sự hợp tác của trẻ |
Kỹ thuật, sử dụng, bảo quản |
Phức tạp (xem dưới) |
Rất đơn giản |
Giá thành |
Đắt hơn vài chục đến trăm lần. |
Rẻ “bất ngờ”! |
Chính vì những đặc điểm ưu việt của Thermoscan: nhanh, dễ, an toàn, đẹp này mà đã được giới tiêu dùng đón tiếp nồng nhiệt.
Thế nhưng, để Thermoscan có thể đọc được đúng thân nhiệt trung tâm qua ống tai thì:
- Màng của máy đo phải đối diện được với màng nhĩ của tai. Để đạt được điều này cần phải làm sao cho trục ống tai phải trùng với trục ngang của máy đo.(H.1)
H.1: a) vị trí đặt sai b) vị trí đặt đúng |
Đối tượng được đo phải ở tư thế ngồi thẳng đứng
Trẻ em dưới 1 tuổi ống tai xu thế hướng ra sau, do đó khi đo phải kéo vành tai ra hướng trước so với lỗ tai.
Trẻ trên 1 tuổi thì ống tai có xu hướng chúc xuống nên khi đo phải kéo vành tai lên trên. Tuy nhiên cấu trúc giải phẩu không khi nào nhất thiết cũng như vậy.
Trong đường đi dẫn từ ngoài lỗ tai đến màng nhĩ phải thông suốt không có vật cản, trong khi đó, ráy tai và lông trong ống tai là vật cản đáng kể.
(Có thể do các yếu tố này mà tôi đã được nhận thông báo của bà mẹ về tình trạng giảm thân nhiệt của con bà.)
Nhiệt độ thông qua ống tai sẽ bị thay đổi theo chiều hướng cao hơn bình thường nếu ống tai hay màng nhĩ bị viêm nhiễm (rất hay gặp ở trẻ, nhất là phản ừng màng nhĩ trong viêm đường hô hấp). Những viêm nhiễm này thường gây nóng tại chỗ, không gây sốt toàn thân.
H.2: Cấu trúc Thermoscan |
(Người mẹ có con bị "sốt nửa thân người, hạ nhiệt nửa thân" là do cháu bị viêm ống tai ngoài một bên, khi đo bên này thấy sốt; đo bên kia sai qui cách thì thân nhiệt bị hạ!)
Khi nằm nghiêng một bên tai, lúc đo nhiệt độ cũng thay đổi (khi đo phải để trẻ ngồi dậy một lúc)
Nhiệt độ hai bên tai trái và phải không giống nhau (phải đo một bên nhất định)
Vàø để có được kết quả nhiệt độ này hiện lên màn hình, người sử dụng phải nằm lòng các nguyên tắc hoạt động của thiết bị. Đơn cử một loại qua các bước (H.2) (tuỳ thuộc hãng sản xuất):
Màng lọc phải đảm bảo mới sạch (1)
Bấm nút hiện số màn hình, chọn đơn vị đo (độ C, độ F) (6,7) (chính vì chọn sang độ F mà bà mẹ nọ nói với tôi là con bà "trăm độ")
Thao tác kéo vành tai (nêu trên)
Vị trí đặt vào ống tai phải đúng như nêu trên
Bấm nút công tác để máy tiến hành đo (10)
Đó là chưa kể đến việc phải biết các bước chăm sóc bảo quản, xử lý sự cố (ít ra cũng có 7 sự cố hay gặp: quên gắn màng lọc; bấm nhầm máy khi chưa lắp màng lọc; máy báo lỗi hệ thống; nhiệt độ môi trường quá cao quá thấp, máy không hoạt động; báo thân nhiệt quá cao hay quá thấp; hết pin; đọc kết qủa lâu). Rồi tốn tiền thay pin, mua màng lọc.
Rối rắm quá. Phức tạp quá. Đắt "giàng trời" mà đo không chính xác. Bạn đọc sẽ kêu ca là viết gì có mỗi cái máy mà thấy lỉnh kỉnh quá chừng, không hiểu nổi; bỏ mấy đồng ra mua một cái ống thuỷ là xong, có lâu một chút mà chắc ăn; "Hiện đại quá hoá hại điện!". Nếu bạn phải thốt lên như vậy là bài viết của tôi đạt yêu cầu. Tôi phải làm cho bạn thấy rối lên để khỏi phải tốn tiền mua cái máy đắt mà một mục đích duy nhất cần biết: "Con tôi sốt bao nhiêu độ?" thì không đáp ứng được.
Vậy tại sao người ta chế ra làm gì cái máy đắt tiền hiện đại mà độ chính xác lại "cà giựt" như vậy? Điều ta cần biết là thiết bị đó sản xuất ra để đáp ứng cho nhu cầu của nhà chuyên môn, đó là giới bác sĩ, y tá. Họ tiết kiệm được thời gian. Với kiến thức và khả năng nghiệp vụ, họ đủ sức chế khắc các nhược điểm này, thì máy coi như toàn hảo. Xin "bật mí" thêm với thân chủ, là bác sĩ sẽ trông có vẻ có trình độ hơn khi cầm một cái máy trông rất chuyên nghiệp, bấm kêu bíp bíp, tách tách!
Chúng ta trong phạm vi gia đình thì chỉ cần dùng thiết bị đơn giản mà độ chính xác cao, dù có hơi lâu và bất tiện một chút. Bạn không phải bỏ công ra học và nhớ nhiều thứ, mà bạn sẽ quên ngay khi quýnh lên do con bạn bị bệnh. Bạn không phải bỏ ra một số tiền gấp vài chục lần để mua cái đo nhiệt độ hiện đại, chưa kể mua phụ tùng. Đừng bị mê hoặc bởi quảng cáo nhanh, tiện, an toàn, mà điều mình cần ở cái ống đo nhiệt độ bị bỏ quên. Không nhiều tiền chỉ nên dùng loại ống thuỷ cổ xưa vẫn dùng, khá hơn thì dùng loại điện tử là đạt yêu cầu.
Lời cuối là vài điều nhắc nhở khi sử dụng cặp nhiệt độ thông thường (ống thuỷ, điện tử) cho đúng qui cách:
-
Nên đo nhiệt độ ở nách trẻ là an toàn hơn
-
Trước khi đo nhớ vẩy ống nhiệt xuống dưới 35,5oC (hay bấm nút cho đến lúc có số 0 ở máy điện tử).
-
Khi đặt ống nhiệt vào nách trẻ, phải đảm bảo kẹp đúng giữa phần da.
-
Chờ tối thiểu 5 phút với ống thuỷ (hay đến khi có tiếng bíp của máy điện tử) mới đọc kết quả.
-
Cộng thêm 0,5oC để có được thân nhiệt trung tâm (thân nhiệt nách thấp hơn thân nhiệt trung tâm 0,5oC).
-
Bình thường khi trẻ khoẻ, nên chơi trò chơi "bác sĩ" với trẻ để trẻ quen, mà có thể hợp tác tốt khi muốn đo nhiệt độ.
-
Hy vọng các bậc phụ huynh hài lòng với món "đồ cổ" vẫn còn có giá trị sử dụng cao này.
28/08/2001
BS. Nguyễn Đình Nguyên