Hiện trên thị trường bán rất nhiều loại máy đo thân nhiệt, từ máy bấm tai, quét trán, máy đo điện tử đến loại thủy ngân thông thường. Tuy nhiên, nếu không biết cách đo sẽ phản ánh không đúng về thân nhiệt của em bé, rất nguy hiểm!
Nhiệt kế thuỷ ngân cặp nách vẫn là cách đo chuẩn nhất
Anh Đỗ Đức Hòa (Gia Lâm, Hà Nội) mỗi khi nghĩ lại lúc đưa con tới bệnh viện cấp cứu vì sốt cao co giật vẫn không khỏi rùng mình. Bình thường, mỗi khi con sốt, anh chị vẫn dùng kẹp nhiệt độ thủy ngân thông thường để đo nhiệt độ cho con. Tuy nhiên, mỗi lần đo nhiệt độ, thằng bé cứ giãy giụa, khóc ngằn ngặt khiến anh chị rất vất vả. Vì thế, khi nghe người bạn mách về máy đo nhiệt độ rất hiện đại, chỉ cần dán vào trán trong vài giây là có kết quả, anh liền “tậu” về và sử dụng cho con. Bé nhà anh khi bị viêm họng thường sốt rất cao, đến 39oC. Lần này, đo đi đo lại ở trán mà vẫn chỉ có 37,5oC. Anh chị cẩn thận sờ khắp thân thể con, thấy người nóng hầm hập. Quá sốt ruột, anh liền lấy nhiệt kế thuỷ ngân bình thường đo cho con thì thân nhiệt đã lên 39,5oC rồi.
Anh chị cuống cuồng lấy thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho con nhưng cũng ngay lúc đó, cu cậu đang nằm lử đử bỗng lên cơn co giật. Vợ anh sững người, không biết làm gì, còn anh thì vội vớ được điện thoại gọi cấp cứu 115. “Thật là may, xe cấp cứu đến kịp. Giờ nhớ lại vẫn sợ, cứ tưởng đã mất con rồi”.
Chị Nguyễn Hà Linh (Đội Cấn, Hà Nội) thì lại nhiều lần luống cuống không biết xử lý như thế nào vì đo thân nhiệt hai tai lại cho kết quả khác nhau. Trước đây, dù con chị đã 19 tháng, nhưng khi sốt nhất định không chịu cho mẹ cặp nhiệt độ. Cứ cho cái cặp nhiệt độ vào người là giãy đạp, khóc ầm ĩ. Kể cả khi đang ngủ, cho nhiệt độ vào là tỉnh giấc, hét ầm lên. Vì thế chị thường phải dùng cảm nhận, áp má, sờ bằng tay để đoán xem có sốt cao hay không. Một lần vào bệnh viện, thấy bác sĩ dùng nhiệt kế bấm tai rất nhanh gọn, chị liền “tậu” ngay một cái.
Nhưng từ ngày mua về cũng là lúc chị băn khoăn việc nên hay không nên uống thuốc. Vì cùng một lúc đo nhưng nhiệt độ ở 2 tai khác nhau, thậm chí chênh lệch nhiều. Có hôm tai trái đo được 38,1oC, nhưng ngay sau đó, đo sang tai phải lại là 39, 5oC. Chị được bác sĩ giải thích, có thể mẹ bé không dùng đúng kỹ thuật, đặt nhiệt kế không đúng điểm, hơn nữa bé còn nhỏ nên đo tai rất khó chính xác, có thể bị lên xuống nhiệt độ.
Đo nhiệt độ ở nách chính xác nhất
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết: không hiếm trường hợp em bé sốt cao hầm hập được bố mẹ đưa vội vào viện đã lên cơn co giật. Để xảy ra tình trạng này, một phần bắt nguồn từ việc bố mẹ đo nhiệt độ cho con không đúng cách nên không phản ánh đúng thân nhiệt của bé.
Theo TS Dũng, nhiệt kế thuỷ ngân truyền thống dùng đo ở nách vẫn phản ánh chính xác nhất thân nhiệt của bé. Đây là lý do rất nhiều bệnh viện giờ vẫn sử dụng nhiệt kế truyền thống này.
Tuy nhiên, còn có rất nhiều loại nhiệt kế hiện đại, cũng phản ánh chính xác thân nhiệt người đo nhưng phải biết cách đo, nếu không sai số về nhiệt độ sẽ rất lớn. Như với máy đo nhiệt độ quét trán, máy đo nhiệt độ bấm tai đều phải thực hiện đúng kỹ thuật mới phản ánh đúng thân nhiệt. Hay như máy đo nhiệt độ điện tử, có thể kẹp ở nách thì vừa nhanh, vừa phản ánh đúng thân nhiệt, nhưng nhiều phụ huynh lại cho con ngậm ở miệng, nhét vào hậu môn… cũng có thể không chuẩn vì có sự kích thích, nhất là nếu bé “nhai” đầu nhiệt kế, sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn bình thường.
Vì thế, TS Dũng khuyên các bà mẹ nên dùng nhiệt kế thuỷ ngân để kẹp nách sẽ phản ánh chính xác nhất thân nhiệt cơ thể. Với nhiệt kế này, phải kẹp đảm bảo đủ 3 phút rồi mới đọc nhiệt độ. Còn đo ở tai, miệng, đút hậu môn hay quét trán… đều có thể cho kết quả sai lệch với nhiệt độ thực của cơ thể, rất nguy hiểm.
Nếu bé không chịu cho kẹp lâu, có thể sử dụng nhiệt kế điện tử dùng kẹp nách (không nên đo ở miệng hay hậu môn), chỉ sau khoảng hơn 30 giây là đã đo xong, mà cũng phản ánh đúng thân nhiệt. TS Dũng nhiều lần khẳng định, đo ở nách phản ánh chính xác nhất thân nhiệt bé. Nếu xác định chính xác bé sốt trên 38,5oC thì mới nên dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng.
Hồng Hải