Hiểm họa loét bàn chân do đái tháo đường

GiadinhNet - Biến chứng loét chân do đái tháo đường có thể để lại hậu quả nặng nề về mặt sức khỏe, kinh tế, y tế, xã hội cho bệnh nhân và gia đình người bệnh nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.



Những năm gần đây, số người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới gia tăng với tốc độ rất nhanh chóng, nhất là các nước đã và đang phát triển.
 
Hiện trên thế giới ước lượng có hơn 190 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và số này tiếp tục tăng lên. Ước tính đến năm 2010 trên thế giới có 221 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Năm 2025 sẽ lên tới 330 triệu người (gần 6% dân số toàn cầu).
 
Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2010 số người mắc bệnh đái tháo đường khoảng 285 triệu (chiếm 6,6% dân số thế giới) và dự báo sẽ vượt trên 400 triệu người vào năm 2030.

Ở Việt Nam, hiện có khoảng 4,8 triệu người mắc đái tháo đường, dự tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 7 triệu bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó, đái tháo đường phân loại 2 chiếm trên 90%, đặc biệt đái tháo đường ở người trẻ gia tăng do béo phì, lười vận động, béo bụng, tăng huyết áp. Riêng bốn thành phố lớn Hà Nội, Huế, TPHCM, Hải Phòng, tỷ lệ đái tháo đường là 4%, riêng quận Hoàn Kiếm, số người mắc đái tháo đường lên tới 7%.

Từ trước đến nay, nhiều người chỉ biết đến bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng mãn tính như: ảnh hưởng đến võng mạc, thận, tim mạch, các bệnh về mạch máu… mà không có đủ thông tin về biến chứng loét bàn chân khó lành - một trong những biến chứng có thể dẫn đến tàn phế và tử vong. Loét bàn chân khó lành ở người đái tháo đường là một trong những biến chứng mãn tính thường gặp và có nguy cơ đoạn chi cao, thậm chí tử vong do nhiễm trùng và trong khi phẫu thuật.

Biến chứng loét chân đái tháo đường có thể để lại hậu quả nặng nề về mặt sức khỏe, kinh tế, y tế, xã hội cho bệnh nhân và gia đình người bệnh nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Theo nghiên cứu của bệnh viện Nội tiết Trung ương thời gian trung bình kể từ khi bệnh nhân phát hiện ra loét chân cho đến khi đến bệnh viện khá, trường hợp đến muộn nhất là sau 4 tháng.
 
Do đó, vai trò của người bệnh và nhân viên y tế rất quan trọng trong việc phòng chống loét bàn chân đái tháo đường. Có thể phòng ngừa loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường bằng cách tư vấn cho bệnh nhân về cách tự chăm sóc bàn chân đúng cách, phát hiện bàn chân có nguy cơ loét cao để can thiệp dự phòng và dự phòng loét bằng các loại giày dép thích hợp cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần nắm vững các nguyên tắc sau để phòng ngừa loét chân:

- Không nên đi chân trần, kể cả khi đi trong nhà.

- Luôn giữ cho bàn chân sạch sẽ và có độ ẩm thích hợp.

- Kiểm tra chân hàng ngày, nếu không tự kiểm tra được thì nhờ người khác kiểm tra giúp và gặp bác sĩ ngay khi phát hiện bàn chân có vấn đề.

- Sử dụng giày dép hợp lý và đúng cách.

- Nên đến cơ sở y tế để gọt chai chân, không nên tự ý cắt gọt chai chân.

- Không được sử dụng nước quá nóng để chườm hoặc ngâm chân, phải kiểm tra nhiệt độ bằng nhiệt kế hoặc bằng tay trước khi dùng nước để chăm sóc chân.
 
Đối với nhân viên y tế, để phòng ngừa loét chân cho bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Phòng ngừa và điều trị biến chứng thần kinh ngoại vi.

- Phòng ngừa và điều trị, can thiệp bằng giày dép đối với các biến dạng bàn chân.

- Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch chi dưới.

- Kiểm soát chặt chẽ đường huyết và các yếu tố nguy cơ mạch máu khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, chế độ sinh hoạt tĩnh tại và ít hoạt động thể lực.

- Cung cấp, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các loại giày dép thích hợp cho bệnh nhân.

- Tư vấn cho bệnh nhân về cách tự chăm sóc bàn chân.

- Phát hiện bàn chân có yếu tố nguy cơ loét cao.


Hiện nay, bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường đang hy vọng vào những phương pháp điều trị đột phá mới trong y học để cứu lấy bàn chân cũng như tính mạng. Để được tư vấn chăm sóc và điều trị kịp thời biến chứng loét bàn chân đái tháo đường, và giữ được chân, người bệnh có thể gọi đến:
 
+ Tại TPHCM: (08)39254991 hoặc (08)39254992.
 
+ Tại Hà Nội: (04)35690411
 
Hoặc một số Bệnh Viện có đơn vị chuyên sâu như:
 
+ Tại TPHCM:  BV Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5. Bệnh viện Nhân Dân 115: 88 Thành Thái, P.12, Quận 10.
 
 + Tại Hà Nội: Bệnh viên Nội tiết Trung ương: 80 Thái Thịnh II, Thịnh Quang, Đống Đa; Bệnh viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng, Hai Bà Trưng; Bệnh viện Bán công Hòe Nhai: 17 Hoè Nhai.

Phan Vũ