(giadinh.net.vn) - Nhiều người mong sớm có thuốc chủng ngừa bệnh tiểu đường để sau vài lần “chịu đấm ăn xôi” có thể ăn uống thả giàn, tha hồ hảo ngọt. Đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có thuốc!
Đừng bó tay chịu… bệnh!
Nếu tưởng không thể phòng ngừa bệnh tiểu đường là sai. Càng sai hơn nữa nếu tưởng kiêng ăn ngọt thì khỏi lo bệnh tiểu đường. Cho dù kiêng cữ thế nào vẫn bị bệnh như thường nếu cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, nếu bệnh gan không được điều trị đến nơi đến chốn… Bệnh tiểu đường rõ ràng không là chuyện may rủi. Bằng chứng, theo kết quả nghiên cứu, không quá khó để đẩy lùi bệnh tiểu đường về bên kia lằn ranh sinh bệnh, nếu lưu ý một số yếu tố dưới đây:
1. Tuổi đời:
Đừng quên tiểu đường “rồ ga tăng tốc” từ tuổi 50, nam cũng như nữ, không chừa một ai. Nhiều kết quả nghiên cứu trong thập niên gần đây cho thấy tình trạng thiếu hụt nội tiết tố giới tính khi gần tuổi về hưu khiến nam mãn dục, khiến nữ tắt kinh là “đòn bẩy” cho bệnh tiểu đường.
Thời điểm máu dễ biến thành “chè ngọt” thậm chí có thể sớm hơn nhiều, nếu nạn nhân trước đó có cuộc sống quá căng thẳng vì nội tiết tố của tuyến thượng thận trong tình huống stress dồn dập là nguyên nhân làm tăng đường huyết. Do đó, ráng tránh sao cho đừng quá stress lúc thiếu thời, cũng đừng quên tham gia các chương trình tầm soát định kỳ khi người đối diện bắt đầu gọi mình bằng chú, bằng cô.
2. Cơ tạng:
Người có thân nhân trực hệ đã bị tiểu đường dễ là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường. Cẩn tắc vô áy náy, nên cẩn thận với chuyện ăn uống hơn người khác nếu là thành viên của gia đình có vài người đã bệnh!
3. Vòng bụng quá cỡ:
Các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường đã quả quyết là lượng mỡ đóng đô ở thành bụng càng nhiều, dù là do ít vận động hay uống quá nhiều bia, đều là “đòn bẩy” cho bệnh tiểu đường. Tệ hơn nữa là người có vòng 2 vượt chỉ tiêu là đối tượng vừa khó điều trị, vừa mau gặp biến chứng một khi đã bị bệnh tiểu đường. Giảm cân cho bằng được nếu dư cân, tránh rượu bia càng nhiều càng tốt là biện pháp phòng bệnh.
4. Ít vận động:
Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu, số người mắc bệnh tiểu đường ở các thành phố lớn, ở các nước công nghệ cao gấp 3 lần ở vùng nông thôn vì mức độ vận động của người dân chốn thị thành chỉ bằng phân nửa nhà nông. Đừng ngồi yên quá thường lúc còn trẻ là tránh được cảnh sau này phải nằm dài trên giường bệnh vì tai biến mạch máu não.
5. Thiếu thực phẩm “xanh”:
Chức năng của tụy tạng - cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh đường huyết, tùy thuộc vào nhiều loại sinh tố và khoáng tố. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rõ ràng tỷ lệ nghịch với hàm lượng rau quả tươi trong khẩu phần. Thêm vào đó, ai càng mạnh miệng với thực phẩm công nghệ, người đó càng dễ bị bệnh tiểu đường vì nhiều chất phụ gia là khắc tinh của tụy tạng.
6. Huyết áp cao:
Bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần người tuy cũng có nếp sống dễ bị bệnh tiểu đường nhưng huyết áp trong định mức bình thường.
Trả giá quá đắt!
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không vô cớ đã khẳng định bệnh tiểu đường là một trong các nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe cộng đồng ở thế kỷ 21 này, mặc dầu bệnh không lây lan. Họ hoàn toàn có lý khi 10% dân số mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở các nước có nền y tế tiên tiến.
Điểm vô cùng đáng tiếc, theo dẫn chứng của chuyên gia ngành nội tiết, một số không ít, tối thiểu cũng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường đã không mắc bệnh nếu trước đó chịu khó loại trừ hay giảm thiểu các nhân tố tạo điều kiện cho bệnh dễ phát tán từ tuổi trung niên.
Mới nghe tưởng phức tạp, nhưng biện pháp phòng bệnh tiểu đường trên thực tế vẫn còn quá đơn giản nếu so với việc trị bệnh một khi bệnh đã phát. Đợi nước đến chân mới nhảy, nhưng lúc đó, còn sức đâu mà nhảy!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng