Phòng ngừa đoạn chi ở người bệnh đái tháo đường


(websuckhoe.vn) - Hiện nay, bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường đang hy vọng vào những phương pháp điều trị đột phá mới trong y học để cứu lấy bàn chân cũng như tính mạng.

Để được tư vấn chăm sóc và điều trị kịp thời biến chứng loét bàn chân đái tháo đường và giữ được chân, người bệnh có thể liên hệ với các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhân dân 115 ở TPHCM; Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Bán công Hoe Nhài ở Hà Nội.

Biến chứng loét bàn chân đái tháo đường thường xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái.

Các vết loét thường khởi đầu chỉ là những vết xước nhỏ hoặc phồng da nhưng do không được phát hiện kịp thời, thiếu kiến thức để chăm sóc vết thương khiến các vết loét lâu lành, lan rộng và không chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm trùng. Vết loét nhiễm trùng lan rộng kéo dài gây hoại tử.

Ước tính có hơn 5% bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân.

Loét bàn chân là một trong những biến chứng mãn tính nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Có đến 15%-35% người bệnh đái tháo đường sẽ bị loét bàn chân ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của họ. Trong số này, sẽ có 10%-30% bệnh nhân bị đoạn chi. Và, tỷ lệ tử vong sau đoạn chi có thể lên đến 23%. Số người bị loét bàn chân do đái tháo đường bị đoạn chi duy trì sự sống sau 5 năm cũng chỉ chiếm một nửa số còn lại (khoảng 40%).

Bệnh nhân bị biến chứng đoạn chi sẽ mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình, mất tự tin trong cuộc sống, giảm chất lượng cuộc sống cũng như giảm tuổi thọ...

Do vậy, việc phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời có thể ngăn ngừa những tổn hại lâu dài, ngăn ngừa việc đoạn chi tới 85%.

Người bệnh đái tháo đường cần chú ý:


  • Tập thói quen kiểm tra bàn chân ít nhất 1 lần trong ngày. Các vết nứt trên da, các vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da đều cần được quan sát kỹ.
  • Mỗi tuần, nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón, không lấy khóe cũng như tự mình cắt các vết chai ở chân.
  • Luôn giữ chân ở tư thế ngang khi ngồi. Không mang vớ chật, giày dép chật, không nên để chân không ngay cả khi ở nhà. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày. Việc đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe giúp cải thiện lưu thông mạch máu.
  • Luôn giữ sạch chân với nước ấm và xà phòng trung tính. Dĩ nhiên, không nên ngâm chân trong nước quá nóng (nhiệt độ không quá 37oC) hoặc ngâm nước ấm quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân.


ThS-BS Nguyễn Trần Kiên

Trưởng khoa Bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương