Hỏi đáp về chăm sóc trẻ sơ sinh


BS Nguyễn Thị Trúc Vi
Trưởng Khoa Sản bệnh Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định

Những biểu hiện sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh

Bé mới sinh có cân nặng trung bình 2.500-3.500g, bé mới được sinh ra đến 30 ngày sau được gọi là sơ sinh. Bé sơ sinh ngủ nhiều hơn thức, trong những ngày đầu, bé ngủ từ 20-22 giờ mỗi ngày, dần dần ngủ ít hơn. Bé khỏe mạnh da hồng hào, thở đều đặn và êm ái, tiếng khóc to và trong trẻo, chạm nhẹ vào môi bé sẽ mở miệng và nếu đẩy đầu vú vào miệng, bé sẽ bú theo phản xạ với cử động bú của miệng mạnh và sâu.

Thường trong 1- 2 ngày đầu bé sẽ tiêu tiểu. Sau vài ngày đầu đi tiêu phân su có màu xanh sậm, bé sẽ đi tiêu phân có màu vàng hoặc loãng với các hạt kích thước vài mm màu vàng (“giống hoa cải”) hoặc sệt hoặc có thể thành khuôn mềm.

Rốn bé sau ngày đầu sẽ “héo” đi, khô teo dần và rụng trong vòng 2 tuần.

Bé sơ sinh có 2 hiện tượng vàng da sinh lý và giảm cân sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu  xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4; sau đó giảm dần. 

Trong 3, 4 ngày đầu sau sinh, bé giảm cân so với khi mới sinh; sau đó tăng cân cùng với lúc mẹ đã   lên  sữa, có nhiều sữa. Thường bé sẽ đạt lại số cân khi sinh trong vòng 10 ngày sau sinh.

1. Trẻ được chăm sóc y tế như thế nào ngay sau khi sanh?

Bé mới sinh được nhân viên y tế cắt và cột cuống rốn với kỹ thuật vô trùng, nhỏ mắt phòng ngừa viêm kết mạc do lậu (có thể cả viêm do chlamydia), tiêm vitamin K giúp ngừa xuất huyết, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B (tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) và tiêm ngừa lao.

2, Phải giữ ấm cho trẻ như thế nào?

Bé sơ sinh dễ bị mất nhiệt, có thể đưa đến giảm thân nhiệt hết sức nguy hiểm. Do đó phải giữ cho da bé khô (da ướt, nước trên da bay hõi làm mất nhiệt nhiều), phòng của bé sõ sinh không được lạnh quá (dưới 20°C).

3. Sau sanh bao lâu thì cho bé bú mẹ?

Nên cho bé bú mẹ sớm, trong vòng 30 phút sau sinh. Sữa non tuy ít nhưng rất quý giá, có những tính chất đặc biệt về dinh dưỡng và chống nhiễm khuẩn phù hợp cho bé mới sinh, hiện không có chế phẩm nhân tạo nào có thể so sánh được.

Mỗi khi bé thức lại cho bé bú mẹ, khoảng 2-4 giờ 1 lần, mỗi lần 5-20 phút tùy nhu cầu của bé.

4.Chăm sóc rốn như thế nào?

Cuống rốn khi chưa rụng nên được thay băng hàng ngày ( vào lúc tắm bé), bôi thuốc sát trùng lên khắp cuống rốn, tránh chạm đến da cạnh gốc cuống rốn (thao tác cụ thể nên được hướng dẫn bởi nữ hộ sinh).

5. Quần áo của bé có cần phải chú ý gì?

Không nên cho bé mặc quần áo có đính các hạt cứng nhỏ (nút, cườm đính,...)  để phòng tránh  trường hợp các hạt này lỡ rơi vào đường hô hấp gây cho bé bị sặc, ngạt thở.  Áo quần cho bé nên rộng rãi, thoáng và mềm mại, bằng vải cotton (bông thiên nhiên) là thích hợp nhất. Không dùng kim băng (có đầu nhọn) để gài áo, khăn quấn vì có thể đâm vào người bé.

6. Tắm gội cho bé như thế nào?

Tắm, gội đầu bé hàng ngày bằng nước ấm và sạch, không nhất thiết phải có xà phòng hay dầu gội.

Tắm xong lau ngay và mặc quần áo khô sạch cho bé.

7. Có nên sử dụng tã giấy cho bé không?

Thay ngay tã mỗi khi bé tiêu, tiểu. Niêm mạc bé sơ sinh mỏng,  vì thế khi rửa vùng sinh dục, hậu môn sau khi bé đi tiêu phải nhẹ nhàng, sau đó, thấm khô bằng vật thấm mềm, nhẹ tay.

Hạn chế tối đa việc dùng tã giấy. Các bé bị quấn tã giấy dễ bị nhiễm trùng da khu vực quấn trong tã.

Quấn tã rộng rãi cho bé để dễ dàng biết ngay khi bé tiêu, tiểu và thay tã sau đó. Cách làm này  tốt hơn việc dùng tã giấy rất nhiều.

8. Có nên phơi nắng cho bé không?

Nên tắm nắng sáng sớm mỗi ngày 5-20 phút. Tăm nắng không những giúp bé có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da. Việc tắm nắng nên được duy trì cho đến khi bé được 1 tuổi.

9. Có nên cho bé uống nước cam thảo không?

Hiện khoa học không phát hiện được ích lợi gì từ việc cho  trẻ mới sinh uống nước cam thảo. Việc uống nước cam thảo cản trở việc tận dụng tối đa sữa mẹ.

10. Nhiều bé sinh ra có 1 khối mềm ở trên đầu, tại sao vậy?

Đó là bướu huyết thanh:  bướu này có ở phần lớn các bé được sinh bình thường. Bướu huyết thanh là một cục u mềm trên đỉnh đầu bé, chạm vào có thể làm bé khóc vì đau,  bướu sẽ tự nhỏ dần và biến mất trong năm bảy ngày sau sinh, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.

Không nên chà, bóp vào bướu vì làm bé đau và làm bươu lâu biến mất hơn.

11. Phải làm gì khi bé bị hăm?

Các nếp gấp da ở cổ, nách, phía trước khuỷu tay, bẹn, phía sau gối,.. của bé dễ bị hăm đỏ, có thể bị viêm và rỉ dịch vàng. Nên  giữ khô, sạch các nếp gấp, dùng phấn chống ẩm sẽ giúp ngừa và giảm hăm cho bé.

12. Các bé có những mụn đỏ rải rác ở da, phải làm gì?

Da bé lấm tấm đỏ, có thể có những nốt mụn mủ nhỏ rải rác, dễ xảy ra ở những nơi bị ẩm ướt nhiều như: vùng hậu môn, sinh dục, lưng, mông, trong trường hợp này nên chăm sóc da cho bé  tương tự như khi bé bị hăm. Nếu có mụn mủ nên đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa để được cho dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống thích hợp.

13. Tại sao bé hay bị nôn, trớ?

Phần lớn bé sơ sinh  sau bú dễ bị trớ hoặc nôn ra sữa vừa bú. Để phòng tránh, sau khi cho bé bú, ẵm đứng bé  chừng 5-10 phút cho  đến khi bé ợ hơi xong mới cho bé nằm.

Nếu bé nôn nhiều, ảnh hưởng đến tăng trưởng phải đưa bé đi khám bác sĩ. Khi bé nôn, nên nghiêng người bé về một bên, nhanh chóng làm sạch mũi và miệng bé sau khi nôn  để việc thở của bé không bị cản trở. Có thể làm sạch mũi bé bằng cách quấn giấy mềm thành  hình sâu kèn đưa vào mũi, các chất dịch trong mũi sẽ dính vào đó và được lấy ra ngoài dần. Nếu cần, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi cho bé.

14. Bé hay vặn mình?

Ban đầu bé chỉ ngủ không yên, hay vặn mình, mỗi khi vặn mình lại nôn trớ, dần dần dẫn đến  đang ngủ bỗng giật mình và quấy khóc. Có thể sẽ xuất hiện ra mồ hôi trộm, rụng tóc vùng sau đầu : thường là biểu hiện của thiếu vitamin D. Để phòng tránh, nên cho bé phơi nắng buổi sáng. Nếu không có điều kiện phơi nắng có thể đem bé đến khám bác sĩ để bổ sung vitamin D cho bé.

15. Bé bị chảy mủ ở nơi tiêm ngừa thì phải làm gì ?

Một số ít bé bị viêm, có mủ ở nốt tiêm ngừa lao ở vai hoặc hạch nách cùng bên, đó là phản ứng bình thường của cơ thể bé. Trong trường hợp này, chỉ cần giữ vùng viêm sạch, băng bằng gạc vô trùng nếu có mủ để tránh bội nhiễm cho tới khi da lành thành sẹo

***Những dấu hiệu báo động cần lưu ý

Bé cần được đưa đi khám kiểm tra ngay khi có một trong những dấu hiệu sau:

+Sau sinh quá 24 giờ chưa đi tiêu phân su.

+Sau sinh quá 48 giờ chưa đi tiểu.

+Vàng da xuất hiện sớm trước 24 giờ sau sinh, hoặc da vàng quá sậm, nước tiểu quá sậm màu, hoặc vàng da và tiểu vàng kéo dài quá 10 ngày sau sinh.

+Bé giảm cân nhiều, quá 1/10 trọng lượng lúc sinh hoặc đến ngày 11 mà cân nặng vẫn chưa phục hồi bằng với lúc sinh.

+Rốn ướt, có dịch hoặc máu thấm ướt gạc che cuống rốn, hoặc có mùi hôi.

+Bé không chịu bú, bỏ bú.

+Bé thở khó khăn: co rút lõm hõm trên xương ức, bụng; gồng  cơ  cổ, ngực, cánh mũi phập phồng hoặc thở trên 40 lần mỗi phút.

+Có những biểu hiện bệnh như: ho, sốt, tiêu chảy,...

Từ khoá: