Mỗi người nên biết số đo huyết áp hiện tại của mình

 Tăng HA chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu (64 triệu người sống trong tàn phế) và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng  7,1 triệu người trẻ tuổi. THA lâu dài dẫn đến tổn thương các cơ quan:

-          Tim: Phì đại thất, thiếu máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền, loạn nhịp tim, suy tim.

-          Mạch máu: Dày, xơ vữa mạch máu.

-          Thận: Giảm độ lọc cầu thận, suy thận.

-          Mắt: Tổn thương đáy mắt.

-          Não: Đột quỵ (Nhồi máu não, xuất huyết não), cơn thiếu máu não thoáng qua.

Người bệnh THA thường không thấy có gì khác biệt so với người bình thường do bệnh diễn biến rất âm thầm, các biến chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu cảnh báo trước và rất tàn khốc, làm cho người bệnh bị tàn phế hoặc tử vong.

 

máy đo huyết áp

Máy đo huyết áp dụng cụ kiểm soát huyết áp hiệu quả

Kết quả nghiên cứu về các vấn đề Tăng huyết áp tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, trên 2142 người bệnh tăng huyết áp cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 49-77 tuổi, lớn nhất là 99 tuổi và nhỏ nhất là 18 tuối. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu “Xác định tỉ lệ tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ ở người 25 tuổi trở lên tại 16 phường/xã tại Thành phố Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thị Thanh Nga và cộng sự cho thấy tuổi trung bình của người THA trong cộng đồng là 45-72 tuổi, lớn nhất là 102 tuổi và nhỏ nhất là 25 tuối. Các nghiên cứu này cho thấy tuổi người THA ở cộng đồng nhỏ hơn tuổi người tăng huyết áp được điều trị tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương khoảng 5 tuổi. Điều này nói lên rằng có khả năng người THA tại cộng đồng không biết mình bị THA, không được phát hiện THA hoặc biết bị THA nhưng chưa được điều trị.

THA là một bệnh mạn tính, không chữa lành được mà chỉ có thể điều trị để giảm tối đa nguy cơ dài hạn bị các biến chứng tim mạch và tử vong cho người bệnh.

Do đó, để phòng chống THA hiệu quả, mỗi người dân chúng ta cần tập thói quen chủ động kiểm tra huyết áp định kỳ hằng năm để phát hiện sớm THA. Người trưởng thành có huyết áp  bình thường nên kiểm tra huyết áp mỗi 6 tháng/lần. Người từ 40 tuổi trở lên, nên đo huyết áp độ 2-3 tháng/lần. Người có biểu hiện của huyết áp cao ( chỉ số huyết áp đạt ngưỡng giới hạn) cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, khoảng 1-2 lần/tháng. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lối sống để ổn định huyết áp như:
1. Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: cứ giảm 10kg cân nặng sẽ làm giảm 5-10mmHg mức huyết áp tâm thu.

2. Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần làm: giảm huyết áp tâm thu từ 8-14mmHg
3. Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và can-xi ( không quá 6g muối ăn một ngày) : Có thể sẽ làm giảm huyết áp tâm thu từ 2-8mmHg.
4. Tăng cường hoạt động thể lực: có thể làm giảm 4-9mmHg huyết áp tâm thu. Vận động cơ thể đều đặn như đi bộ nhanh, chạy chậm ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc chơi các môn thể thao.
5. Hạn chế uống rượu: Uống rượu với mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2-4mmHg. mỗi ngày không uống quá 2 ly nhỏ, tương đương 30ml ethanol (tức khoảng 720ml bia hay 300ml rượu hay 90ml whisky).
6. Không hút thuốc lá để giảm toàn bộ nguy cơ.

                BS.CK1.Lý Huy Khanh
Bệnh Viện Cấp cứu  Trưng Vương

 

Từ khoá: