Làm gì khi trẻ bị sốt ?
Trong hầu hết các trường hợp, căn nguyên gây sốt ở trẻ là do nhiễm virut vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt, trở lại bình thường sau một vài ngày. Hầu hết các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thường cố gắng tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ nhằm mong muốn tránh tình trạng sốt cao co giật có thể xảy ra. Điều này không sai về mặt lý thuyết, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cho rằng chính bản thân tình trạng sốt cũng có nhiều tác dụng tốt với tình trạng của đứa trẻ cho nên nhiều khi cũng nên để cho cơn sốt làm nhiệm vụ của nó.
Mặc dù vậy cũng cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao trên 38,5oC. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ nhưng cũng có thể làm trẻ run hoặc giật mình hoảng hốt. Vì vậy cũng không nên lau nước ấm toàn thân cho trẻ khi trẻ bị sốt mà chỉ cần lau ở một vài nơi như trán, nách... Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5oC. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ.
Khi trẻ bị sốt thường mất nhiều nước (qua đường mồ hôi, hô hấp...) vì vậy điều quan trọng là phải động viên khuyến khích cho trẻ uống đủ nước, không cho trẻ ăn kiêng khi ốm. Một điều còn quan trọng hơn cả việc cố gắng tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ thậm chí hơn cả thuốc hạ sốt là việc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, cho trẻ nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên
Cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện, nếu:
Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải hiểu, để theo dõi và nhận biết được khi nào đưa trẻ đi khám... Trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số các dấu hiệu dưới đây:
Không uống được hoặc bỏ bú; Nôn tất cả mọi thứ; Co giật; Trẻ buồn ngủ một cách khác thường hoặc li bì; Trẻ khó thở; Nổi ban bất thường; Đau đầu nhiều; Trẻ có bị sốt sau khi đến vùng có sốt rét, sốt xuất huyết...
Điều này có ý nghĩa trong việc sớm có chẩn đoán tìm căn nguyên gây sốt đồng thời có các can thiệp điều trị kịp thơi.