Một số thực phẩm có tác dụng điều hòa huyết áp

Mộc nhĩ : còn gọi là nấm tai mèo hay nấm mèo, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, thông mạch, cầm máu. Ăn nhiều thì nhẹ mình, nhớ lâu, sáng mắt. Thường được sử dụng chữa chứng nhiệt lỵ, trĩ, đau răng.

Mộc nhĩ được xem là một loại rau khô, sử dụng nhiều trong việc chế biến thực phẩm, như xào với các loại rau, thịt, làm nhân bánh mặn (như bánh khoai vạc chiên …

Thành phần dinh dưỡng của mộc nhĩ (tính theo g%) : protid 10,6, lipid 0,2, glucid 65, cellulose 7, và (theo mg%) : Ca 357, P 201, Fe 56,1, vitamin B1 0,15.

Đông y dùng mộc nhĩ chữa suy nhược toàn thân và thiếu máu, ho ra máu, trĩ xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung; huyết áp cao, táo bón.

Ngày dùng 10 - 30 g dạng thuốc sắc uống.

Ngày nay, người ta biết mộc nhĩ (nấm mèo) còn có công dụng ức chế quá trình ngưng tụ tiểu cầu, chống đông máu làm nghẽn mạch và ngăn ngừa sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng huyết quản.

Với tính năng dưỡng huyết và hoạt huyết, nấm mèo đen là thực phẩm quí giá có tác dụng giảm cholesterol trong máu và cải thiện hoạt động tuần hoàn máu, rất tốt đối với người mắc bệnh cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não bộ.

- Một số nghiên cứu gần đây cho biết nấm mèo còn có tác dụng giúp làm giảm lượng đường trong máu và phòng ngừa ung thư biểu bì.

Tuyết nhĩ

Tuyết nhĩ tức mộc nhĩ trắng, còn được gọi là ngân nhĩ, bạch bối mộc nhĩ (nấm mộc nhĩ có lưng màu trắng), tên khoa học Trenella fuciformis Berk. thuộc họ Ngân nhĩ (Trenellaceae).

Tuyết nhĩ là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng với lượng đạm 10%, chất cacbonhydrat 65%, các chất khoáng như Ca, Na, K, O, Fe… , ngoài ra còn có vitamin E.

Theo đông y, tuyết nhĩ có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế và vị. Tác dụng bổ âm, nhuận phế, ích vị, sinh tân dịch, trừ đàm uất, lợi tiêu hoá. Thường được dùng trị phế táo nhiệt, ho khan, ho ra máu, đàm có lẫn máu, chảy máu cam, táo bón, suy nhược do phế thận âm hư.

Ngày nay được dùng trị huyết áp cao, xơ vữa động mạch.

Liều dùng 10-20g, dang thuốc sắc hoặc làm thực phẩm (nấu chè, súp…)

Vì thịt nấm là một chất keo nên tuỳ vào độ ngậm nước mà ở dạng khô hoặc ở trạng thái trương nước (như khi còn tươi hoặc khi ngâm trong nước), hai trang thái này có thể chuyển đổi cho nhau. Do đó, khi lỡ ngâm tuyết nhĩ trong nước nhưng lại không dùng tới, bạn có thể vớt ra, đem phơi khô để giữ lại trang thái cũ.

Nấm hương

Nấm hương còn gọi là hương cô (có nghĩa là nấm thơm), nấm đông cô (nấm mùa đông), hoa cô (nấm có hoa, do nó có kiểu nứt gãy như hoa trên mặt trên của nấm), tên khoa học Lentinula edodes.

Nấm hương là một loại thực phẩm và dược liệu có giá trị. Trong 100g nấm đã sấy khô có chứa : 12,5g protein, 1,6 g chất béo, 60g chất đường bột, 16mg Ca, 240mg K và 3,9g Fe, nhiều vitamine như vitamin C, B, tiền vitamin D, niacin. Nấm hương có chứa khoảng 30 loại enzym và một số rượu hữu cơ, mà khi nấu chín, các rượu này biến đổi, tạo thành mùi thơm đặc biệt của nó.

Theo các nhà khoa học, nấm hương được dùng để kích thích sự hoạt động của hệ miễn dịch trong các trường hợp đau yếu, từ cảm mạo đến ung thư. Nhiều nghiên cứu y học đã chứng minh là nấm hương có những tác dụng kháng siêu vi và chống ung thư cùng một số tác dụng khác.

Nấm hương còn là thực phẩm lý tưởng đối với bệnh nhân thiếu máu do thiếu chất sắt, tăng huyết áp, tiểu đường và trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng.

Trong nấm người ta còn tìm được chất eritadenin có khả năng làm giảm cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, nấm hương có chứa các loại amino acid không thay thế, và còn chứa một số lượng provitamin ergosterol rất cao.

Vì nấm hương có chứa nhiều chất có ích và cần thiết cho cơ thể như thế, nên ăn nấm hương sẽ giúp điều hòa khí huyết, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể, ngừa sỏi mật, giảm cholesterol trong máu, ức chế tế bào gây ung thư, và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.

Đây cũng là một loại thực phẩm rất tốt cho những người ăn kiêng hoặc ăn chay.

Lựu.

Cây lựu còn được gọi là thạch lựu, an thạch lựu, an tức lựu, mác lìu (Tày), tên khoa học Punica granatum L., thuộc họ Lựu (Punicaceae).

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả lựu có vị ngọt, chua, chát, tính ấm, hơi độc, tác dụng làm nhuận được họng bị khô náo, trừ được lao.

Ngày nay, người ta biết rằng nước quả lựu giàu chất chống ôxy hoá polyphenol, vitamin B1, B2, vitamin C, Ca, Na và P, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Azheimer và cả ung thư. Những người bị tăng huyết áp, uống 50ml nước quả lựu mỗi ngày trong 2 tuần liên tục có thể hạ được 5% mức huyết áp. Nước lựu có tác dụng tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LHD với tỉ lệ là 20%, giúp làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch.

Ngoài ra, nước lựu còn có tác dụng khử trùng và giúp phụ nữ đối phó với các triệu chứng của thời mãn kinh. làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch.

Chuối.

Quả chuối chín có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, trong 100g chuối chín có: glucid 26.1g, protein 1.2g, lipid 0.3g, Ca 12mg, P 32mg, Fe 0.8mg, các vitamin A (beta caroten) 225 microgam, B1 0.03mg, C 14mg. Ngoài ra còn có Mg, Na, S, Zn… Xét về mặt dinh dưỡng, chuối có giá trị hơn cả khoai tây và tương đương với thịt. 100g chuối cung cấp cho cơ thể 100 calo và dễ tiêu hoá.

Quả chuối chín có tác dụng nhuận trường, chống bệnh scorbut và thúc đẩy sự lên da non của các thương tổn trong ruột, trong viêm ruột kết có loét.

Theo các nhà khoa học của đại học John Hopkins (Mỹ) thì chuối là loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất cho những người nghèo. Các bệnh nhân cao huyết áp ăn mỗi ngày 2-3 quả chuối, liên tục trong một tuần có thể giảm trị số huyết áp khoảng 10%.

Chuối chín là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho mọi người, từ trẻ đến già, từ lao động trí óc đến lao động chân tay. Nó giúp ích cho hệ xương, cho sự sinh trưởng cân bằng hệ thần kinh. Người ta sử dụng chuối để trị tiêu chảy, kiết lỵ, chống rối loạn ruột và dạ dày, chữa viêm ruột.Chuối được coi là một loại trái cây lý tưởng cho những vận động viên,nhất là những vận động viên thể hình.

Dưa hấu.

Dưa hấu là loại quả có nhiều lợi ích cho cuộc sống, từ việc dùng giải khát cho đến việc dùng làm thuốc chữa bệnh đều đem lại hiệu quả tốt. Trong dưa hấu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị.

Trong 100 gram phần ăn được của dưa hấu có chứa các chất sau: nước 95,5g, protid 1,2g, lipid 0,2g, glucid 2,3g, chất xơ 0,5g, tro 0,3g; các chất khoáng vi lượng: Ca 8mg, P 13 mg, Fe 1mg, Mg 10 mg, K 112 mg, Zm 0,10 mg; các vitamin: Beta - caroten 4200 micro gam, B1 0,04 mg, B2 0,04 mg, B3 0,178 mg, B5 0,221 mg, B6 0,045 mg, B9 ( folate) 3 micro gam, C 8,1 mg, PP 0,2 mg; Citrulline 0,17 g; ngoài ra còn có lycopen 8 %, manitol… Đặc biệt, dưa hấu có chứa nhiều axit folic, là một sinh tố nhóm B cần cho sự tạo máu. Chỉ cần ăn 200 g dưa hấu là đủ nhu cầu axit folic trong ngày.

Theo đông y, thịt quả dưa hấu có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng giải khát, giải say nắng, trừ phiền nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, sinh tân dịch.

Ngày nay, người ta dùng quả dưa hấu trong trường hợp tăng huyết áp, nóng ở vùng bàng quang, tiểu buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt do thử nhiệt, phiền khát, lỵ ra máu, ngậm với nước muối, nuốt nước để chữa viêm họng.

Ngày uống 2 đến 3 chén nước ép dưa hấu (khoảng 200-300g thịt quả dưa hấu).

Chất lycopen và những chất chống oxy hóa trong dưa hấu rất có ích cho những người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh ngoài da, mỡ trong máu cao, tăng huyết áp, béo phì…

Thanh long

Cây thanh long còn gọi là tường liên, tên khoa học là Hylocereur undatus (Haw) Britt. Et Rose, thuộc họ xương rồng (Cataceae).

Trong 100g phần ăn được của quả thanh long có chứa: nước 84g, protein 1.4g, lipid 0.4g, glucid 11.8g, cellulose 1.4g, vitamin C 8mg, một ít vitamin A, chất nhầy.

Vỏ quả thanh long khá dày, chiếm 26% trọng lượng quả giúp việc bảo quản được lâu, không bị hư thối. Hơn nữa, thanh long ít sâu bệnh nên người trồng ít sử dụng các thuốc trừ sâu bệnh.

Thanh long là một món giải khát, tráng miệng rất được ưa chuộng ở các nước nhiệt đới và một số nước ôn đới. Quả phải để chín rục ăn mới ngon, tuy nhiên có người lại thích cái hương vị chua chua ngọt ngọt khi quả chưa chín rục.

Theo đông y, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.

Người ta sử dụng quả thanh long để giải nhiệt, nhuận trường. Đặc biệt, chất nhầy trong quả thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn và muối mật. Do đó, người mập phì, người có hàm lượng cholesterol huyết tăng cao nên ăn thanh long. Thanh long còn thích hợp với người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, táo bón kinh niên.

Dâu tây.

Theo đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, công hiệu bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc, tan đàm, bổ hư bổ huyết, bổ dạ dày, giảm mỡ, nhuận tràng, thông tiện, v.v... Dùng chữa các chứng như ho do phổi nóng, cổ họng sưng đau, chán ăn, tiểu ngắn, tiểu gắt, thiếu máu suy nhược, ung nhọt, say rượụ..

Ở châu Âu, quả dâu tây thường được dùng là thức ăn lợi tiểu, hạ nhiệt và phụ trợ trong việc điều trị lao, tê thấp, thống phong, tăng huyết áp.

Trong mùa dâu tây, nên ăn dâu tây một cách đều đặn mỗi ngày để có được hiệu quả tốt, rõ ràng.

Buổi sáng, để bụng đói, ăn dâu tây có nhiều hiệu quả hơn. Mỗi ngày, mỗi người có thể ăn trung bình 500g.

Cũng có thể dành riêng một ngày trong một tuần, chỉ ăn toàn dâu tây không thôi, đừng cho đường hay kem vào.

Hoặc có thể chế biến những thức uống như trình bày dưới đây để dùng thường xuyên.

Mi hầu đào (dương đào, trái kiwi)

Theo đông y, Mi hầu đào có vị ngọt, chua, tính hàn, tác dụng giải nhiệt, chỉ khát( làm hết khát nước), thông lâm (giúp thông tiểu tiện, ngừa sỏi niệu), tiêu viêm, lưu thông khí huyết.

Thường dùng chữa sốt nóng, phiền nhiệt, tiêu khát, hoàng đản (vàng da), nước tiểu vàng đục do nhiệt, sỏi tiết niệu, phù thũng. Ngày dùng 1-2 quả, gọt vỏ (để tránh vị chát), cắt lát ăn như rau sống, ăn tráng miệng hoặc xay làm nước sinh tố cùng các loại rau quả khác.

Mi hầu đào được coi là một loại quả ngon miệng và bổ dưỡng. Trong 100g quả có chứa các chất sau: Nước 83,9g; protid 1,02g; glucid 7,2g; potassium 270mg; magnesium 23mg; calcium 20mg, sắt 0,31mg; vitamin A 133 IU, vitamin B1 0,3mg; vitamin C 57mg; vitamin E 3mg. Cung cấp 36Kcal.

Như vậy, vitamin C trong Mi hầu đào khá cao so với các loại trái cây khác (cam 40mg%, đu đủ chín 54mg%, quít 55mg%, xoài chín 30mg%, dứa 24mg%...)

Một quả Mi hầu đào-kiwi có thể cung cấp tới 75mg vitamin C, tương đương 150g nước bưởi và hơn hẳn cam.

Vitamin C trong kiwi còn có công dụng phục hồi hệ thống miễn dịch, tái tạo tế bào da và ngăn ngừa các nếp nhăn, do vitamin C giúp duy trì lượng collagen trong da, giữ cho da luôn ổn định, giúp cơ thể chống lại được những bệnh về hô hấp như hen suyễn hoặc ho. Ăn 2 lát kiwi trước khi ngủ khoảng 1 giờ đồng hồ, sẽ giúp dễ ngủ hơn.

Y học hiện đại cho rằng Mi hầu đào có khả năng ngăn ngừa được bệnh tim mạch, giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Nghiên cứu cho thấy nếu ăn từ 2-3 trái kiwi/ngày liên tục trong 28 ngày sẽ giúp giảm đáng kể sự tích tụ các tiểu huyết cầu, phản ứng lại việc phóng thích ra collagen trong máu. Ăn nhiều kiwi còn giúp hạ thấp 15% nồng độ trigylceride, một thành phần của cholesterol có hại trong máu.

Ngoài ra, hàm lượng kalium cao (270mg%) cũng giúp thông tiểu, bài tiết chất cặn bã trong cơ thể và giúp điều hoà nhịp tim.

Mi hầu đào chứa nhiều potassium nên rất hữu ích cho người đang bị bệnh huyết áp cao. Potassium cũng giúp thông tiểu nghĩa là giúp thận bài tiết nước ra khỏi cơ thể. Các trường hợp bệnh về tim mạch vì thiếu potassium nhịp tim đập không đều cũng có thể điều trị bằng kiwi.

Theo kết quả của nghiên cứu cho thấy, kiwi chiếm vị trí đầu tiên trong số những thực phẩm dinh dưỡng, chống oxy hóa, cung cấp vitamin E để phòng các vấn đề về mắt và ngăn chặn hình thành các cục máu đông.

Kiwi còn được ví như nguồn cung cấp aspirin thiên nhiên, rất tốt cho hệ tim mạch trong việc ngăn ngừa máu đóng cục. Nó còn chứa nhiều những siêu dưỡng chất làm hệ tim mạch hoạt động hiệu quả, như vitamin C, vitamin E, polyphenol, magiê, kali, vitamin B và đồng.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu ăn đều đặn 2-3 quả kiwi mỗi ngày, sẽ có tác dụng làm loãng máu, đồng thời làm giảm lượng mỡ nguy hiểm có trong máu, ngăn ngừa hiện tượng máu đóng cục. Từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Rau cần tây

Trong rau cần tây có chứa các chất vitamin A, B, C; các chất khoáng và kim loại như Ca, K, Na, Mg, Mn, Fe, Cu; một tinh dầu (1% trong cây và 3% trong hạt); các acid amin: cholin, tyrosin, acid glutamic. Tinh dầu có mùi dịu mát nhưng không bền, thành phần chính là limomend, althydrid cedanomic.

Theo Đông y, rau cần tây có vị chát, mùi thơm nồng, có tác dụng thanh nhiệt, trợ tiêu hoá, chỉ khái (làm ngưng ho), lợi tiểu, hoạt huyết trừ thấp.

Ngày nay, người ta ghi nhận rau cần tây có tính chất sau: điều hoà huyết, bổ thần kinh , lợi tiêu hoá, giải nhiệt, lợi tiểu, kích thích tuyến thượng thận, dẫn mật, chống thấp khớp, kháng khuẩn, cung cấp chất khoáng, chống hoại huyết. Thường được dùng chữa suy nhược cơ thể do làm việc nhiều, suy nhược thận , tiêu hoá kém, ăn không ngon, huyết áp cao, thấp khớp, thống phong, trạng thái thần kinh dễ bị kích thích, cơ thể mất khoang 1chất, dùng ngoài chữa mụn nhọt, vết thương, da nứt nẻ.

Mỗi ngày ăn sống khoảng 20 – 39g rau cần tây trong các bữa ăn có thể giúp chữa chứng khó tiêu, ăn không ngon miệng và làm cho cơ thể béo phì.

Những người bị huyết áp thấp không nên dùng rau cần tây.

Bắp cải

Bắp cải còn gọi là bắp sú, có vị ngọt, tính bình không độc, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu đau, lọc máu, chống kích thích thần kinh, chữa giun sán.

Thường dùng chữa đau dạ dày, người bị kích thích thần kinh, bị mất ngủ, suy nhược cơ thể.

Mướp hương

Mướp hương còn gọi là mướp ta, mướp ngọt, có vị ngọt, tính bình, tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, tiêu đàm, làm mát máu, thông sữa, bổ khí, an thai.

Thường dùng chữa đi tiểu nóng do nhiệt, phụ nữ sau khi sinh sữa không xuống hoặc xuống ít. Người tạng hàn, lạnh bụng thì không nên ăn mướp.

Rau mồng tơi

Rau mùng tơi hay mồng tơi, còn gọi là lạc quì, có vị chua, tính lạnh (hàn), tác dụng hoạt trường, thông đại tiểu tiện, làm dễ sinh đẻ.

Rất thích hợp với người bị táo bón, người đi tiểu ít và đỏ, phụ nữ sau khi sinh bị ít sữa, những người bị kiết lị do nhiễm viêm bàng quang.

Bông súng

Bông súng là cuống hoa của cây súng mọc hoang ở đầm lầy, ruộng nước. Bông súng có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, tác dụng làm êm dịu thần kinh, chống co thắt, an thần, trợ tim, trợ hô hấp. Thường dùng chữa suy nhược thần kinh, căng thẳng, mất ngủ, tim đập mạnh, suy sinh dục, ho, viêm đường tiết niệu.

Đậu phụng

Đậu phụng là hạt của cây đậu phụng, còn gọi là lạc hoa sinh. Đậu phụng có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết, cầm máu, nhuận trường, lợi sữa.

Rất thích hợp với người bị suy nhược cơ thể do làm việc quá sức, người bị đau bụng do co thắt, ho, khạc khó ra đàm, đại tiện táo kết, người mới khỏi bệnh, phụ nữ sau khi sinh bị ít sữa, phụ nữ đau bụng kinh (kết hợp với các loại khác như quế, gừng…).

Bí đao

Bí đao còn gọi là đông qua, có vị ngọt, tính lạnh (hàn) không độc, tác dụng lợi tiểu, tiểu phù thũng, giải khát, làm mát tim, trừ phiền nhiệt, tiêu mụn nhọt sưng đau. (Khi gọt vỏ nên giữ vỏ bí đao lại, rửa sạch phơi khô, ngày dùng 12 - 16g nấu nước uống để chữa đi tiểu nóng, nước tiểu vàng hoặc đi tiểu ra chất nhầy, đục).

Rất tốt cho người bị bí tiểu, tiểu khó, tiểu ít do bàng quang nhiệt, người bị phù thủng, mụn nhọt, trong người thường nóng bứt rứt.
Bí đỏ

Bí đỏ tức bí ngô, bí rợ, nam qua. Là 1 loại trái có nhiều chất dinh dương, có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ, giải nhiệt, giải khát, làm êm dịu thần kinh, lợi tiểu, nhuận trường, làm hết ho.

Bông so đũa

Bông so đũa có vị hơi đắng, ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, trừ phong, giải cảm, làm êm dịu thần kinh. Thường dùng làm thực phẩm bồi bổ cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, phòng ngừa cảm cúm, chữa nhức đầu, sổ mũi, táo bón.

Rau bồ ngót

Rau bồ ngót còn gọi là rau ngót, bù ngót, bông ngọt, có vị ngọt, tính mát (lương), tác dụng bổ huyết, giải nhiệt, giải độc, nhuận trường, thông tiểu.

Thường dùng chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, bí tiểu tiện, táo bón, sau suy nhược cơ thể.

Hạt sen

Hạt sen còn gọi là liên nhục, có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ, tiêu chảy.

Củ sen

Củ sen còn gọi là liên ngẫu, ngẫu tiết, có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu ứ, bổ thận. Thường dùng chữa thận hư, đau lưng, suy sinh dục, các chứng ra máu (chảy máu cam, nôn ra máu, ho ra máu, đi tiêu ra máu), đi tiểu khó, tiểu buốt.

Đậu đỏ

Đậu đỏ còn gọi là xích tiểu đậu, có vị ngọt, hơi chua, tính bình. Tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng, nhuận trường, giảm đau nhức.

Thường dùng chữa thủy thủng đầy trướng, tay chân sưng phù, vàng da, tiểu tiện ít, nước tiểu đỏ, phong thấp tê đau, mụn nhọt lở ngứa, táo bón, kiết lị, đau dạ dày - ruột.

Đậu xanh

Đậu xanh còn gọi là lục đậu, có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, trừ phiền nhiệt, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, làm bớt đau. Thường dùng trong trường hợp sốt, khát nước, ngộ độc, tiểu đường, cơ thể suy nhược.

Đậu đen

Đậu đen còn gọi là hắc đậu, ô đậu. Đậu đên có vị ngọt, tính lạnh, không độc, tác dụng bổ can thận, bổ huyết, giải độc, lợi tiểu, trừ phong thấp nhiệt. Dùng chữa thận suy, đau lưng nhức mỏi, cơ thể suy nhược, mụn nhọt.

Tàu hủ ky

Tàu hũ ky còn gọi là phù chúc (phù trúc) được chế biến từ váng sữa đậu nành, có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ dưỡng ngũ tạng, tăng khí lực, giải nhiệt, giải độc rượu, giúp làm hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu và giúp kháng ung thư.

Mướp đắng

Mướp đắng còn gọi là khổ qua, ổ qua, lương qua, có vị đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, nhuận trường, tiêu đàm, lợi tiểu, trừ nhiệt độc, bổ can thận, làm mát tim, sáng mắt, làm bớt mệt mỏi, bớt đau nhức xương khớp.

Mướp đắng rất tốt cho người bị nhiệt độc, táo bón, bí tiểu, ngộ độc rượu, ho đàm, tăng huyết áp, tiểu đường, thiếu máu, mất ngủ, mệt mỏi, đau nhức xương khớp.

Đậu bắp

Đậu bắp còn gọi là mướp tây, bụp bắp, có vị hơi chua, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, nhuận trường, thông tiểu. Rất tốt cho người bị táo bón, tăng huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu cao, người bị mập phì, xơ vữa động mạch và rất có ích cho phụ nữ đang mang thai.

Cà chua

Cà chua có vị chua, ngọt, tính mát, tác dụng giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, tăng khí lực.

Rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, ăn uống không tiêu, chán ăn, người bị nhiễm độc, bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, thống phong, bị sỏi niệu đạo và sỏi mật, béo phì.

Trái thơm

Trái thơm còn gọi là trái dứa, trái khóm, có vị chua, ngọt, tính bình, tác dụng giải khát, giải nhiệt độc, nhuận trường, trợ tiêu hóa, tiêu tích trệ.

Rất tốt cho người bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, ngộ độc rượu, ăn uống không tiêu, viêm khớp, xơ vữa động mạch, béo phì, tăng huyết áp.

Rau nhút

Rau nhút còn gọi là quyết thái, có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng mát gan, nhuận trường, an thần, mạnh gân cốt, giải nhiệt. Thường dùng chữa sốt, kiết lỵ, tiểu tiện khó, mất ngủ.

Rau hẹ

Rau hẹ còn gọi là cửu thái, có vị cay, ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng bổ dương khí, hoạt huyết, tan đàm,. Thường dùng chữa nam giới bị thận dương suy yếu, ho suyễn, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, đau bung khi hành kinh.

Cải bẹ xanh

Cải bẹ xanh còn gọi là cải xanh hoặc rau cải, tên thuốc là giới thái, có vị cay, tính ấm, không độc. Tác dụng thông khí, làm khoan khoái vùng ngực, hông, làm điều hòa thận khí, trừ đàm.

Rất tốt cho người tỳ vị yếu, thường khó chịu vùng ngực, ho không ra đàm. Ăn nóng sẽ giúp ra mồ hôi, giải độc cơ thể.

Cải ngọt

Cải ngọt có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi trường vị, lợi tiểu tiện, ngừa một số bệnh ngoài da, làm tan sưng bầm. Thường dùng trong các trường hợp bị nội nhiệt, thiếu tân dịch, môi miêng khô khát, chảy máu chân răng (do thiếu vitamin C), táo bón, tiểu tiện khó.

Cải xoong

Cải xoong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế, bổ dưỡng cơ thể. Thường dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, ăn uống không ngon miệng, thiếu máu, cảm cúm, ho, các bệnh về gan mật, sỏi thận và các bệnh đường tiết niệu, ngoài ra, cải soong rất tốt cho người bị thấp khớp, thủy thũng, tiểu đường và ung thư.

Khoai lang

Khoai lang còn gọi là cam thự, có vị ngọt, tính bình, tác dụng nhuận trường, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ, bổ thận. Thường dụng chữa đại tiện táo bọn, thận hư di tinh, tiểu đục, kiết lỵ, phụ nữ kinh nguyệt không đều, cơ thể nhức mỏi, cảm mạo.

Ngoài ra, còn giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch, làm hạ huyết áp, giảm béo, ngăn ngừa lão hóa, phòng chống ung thư vú và ung thư trực tràng.

Khoai mỡ

Khoai mỡ còn gọi là khoai vạc, khoai tía, khoai ngọt, có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng kiện tỳ, bổ thận. Thường dùng chữa tỳ hư, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, cơ thể suy nhược, các chứng do thận hư gây ra như di tinh, mộng tinh, đái đục, đau lưng, mỏi gối, sinh dục yếu.

Khoai sọ

Khoai sọ còn gọi là khoai môn, có vị ngọt, hơi the, tính bình, tác dụng điều hòa nội tạng, bổ hư tổn, hạ khí. Thường dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém, đầy bụng.

Khoai tây

Khoai tây có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ dưỡng cơ thể, làm dịu đau, chống nhiễm trùng. Thường dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, đau nhức tay, chân, nhiễm trùng đường hô hấp.

Su su

Su su có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng. Thường dùng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, người nóng bứt rứt, phù thũng.

Mít non

Mít non có vị ngọt, chát, tính mát, tác dụng khai vị, nhuận trường, lợi sữa. Thường dùng trong các trường hợp ăn uống không ngon miệng, táo bón, sản phụ ít sữa.

Rau đay

Rau đay có vị hơi đắng, tính bình, tác dụng nhuận trường, lợi tiêu hóa, giúp ngon miệng. Thường dùng trong các trường hợp táo bón, ăn không tiêu, ăn không ngon miệng, ho ra máu, nôn ra máu.

Rau dền

Rau dền (dền canh) có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ dưỡng, lợi khiếu, sát trùng. Thường dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, táo bón, tiểu tiện khó, lỵ ra máu, rong kinh.

Củ dền

Củ dền có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, tác dụng thông tâm, khai vị, mạnh tỳ, hạ khí, bổ nội tạng, lương huyết, làm thông huyết mạch, giảm đau, thường dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ, tiểu tiện khó.

Rau má

Rau má (liên tiền thảo) có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận gan.

Thường dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, thủy đậu, sởi, sốt vàng da, vàng mắt, viêm khí quản, sưng amygdal, ho, viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu dắt, tăng huyết áp.

Ngoài ra rau má rất tốt trong các trường hợp như thổ huyết, chảy máu cam, tả lị khí hư bạch đới, mụn nhọt, lở ngứa, đau bụng kinh, sản phụ ít sữa.

Đu đủ

Đu đủ còn gọi là phiên qua, đu đủ xanh có vị hơi đắng, tính bình, tác dụng tiêu thực, trừ giun, chống đông máu. Thường được chỉ định dùng trong các trường hợp tiêu hóa kém, thiểu năng hoạt động của dạ dày và tụy, dịch vị giảm, lên men dạ dày, lên men ruột, viêm dạ dày mãn tính, trẻ em viêm dạ dày - ruột non.

Đủ đủ chín có vị ngọt, tính mát, tác dụng nhuận trường, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống không tiêu, đầy bụng, táo bón, tiểu tiện khó, tiểu ít, người bị tăng huyết áp.

Củ cải

Củ cải còn gọi là la bặc căn, có vị cay, hơi đắng, tính bình, không độc, tác dụng làm long đàm, tiêu thực, tán phong tà, tiêu ứ huyết, trừ viêm, lợi tiểu. Thường dùng chữa ăn uống không ngon miệng, bệnh hoại huyết, còi xương, thiếu khoáng chất, lên men trong ruột, đau gan mạn tính, vàng da, sỏi mật, viêm khớp, thấp khớp, các bệnh đường hô hấp, kiết lỵ. tăng huyết áp.

Cà tím

Cà chứa vitamin nhóm B, vitamin C, carotene, cà tím còn có chứa vitamin P. Thường ăn cà có thể phòng cholesterol LDL tăng cao trong máu, còn có tác dụng dự phòng bệnh vàng da, sưng gan, thống phong, xơ cứng động mạch. Trong chất xơ của cà chứa saponin, có công hiệu hạ thấp cholesterol LDL trong máu; nó phối hợp với vitamin P có hiệu quả rõ rệt đối với việc nâng cao sức đàn hồi của các mao quản, phòng xuất huyết mạch máu, có lợi cho việc phòng và chữa trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

Cà rốt

Cà rốt rất giàu vitamin A, trong 100g cà rốt chứa đến 362ml carotene, là một loại thực vật có tác dụng phòng ung thư. Cà rốt chứa nhiều chất khoáng vi lượng và các vitamin. Những thành phần này có tác dụng phòng và chữa trị bệnh động mạch vành tim rất tốt.

Ngoài ra, trong cà rốt còn chứa pentahydroxyflavone, kaempferol, có thể làm tăng lưu lượng máu của động mạch vành, hạ thấp mỡ máu, thúc đẩy sự tổng hợp kích thích tố tuyến thượng thận, vì vậy cà rốt còn có công dụng hạ huyết áp, làm mạnh hoạt động của tim.

Giá đậu

Đậu nành là một loại thực phẩm có ích đối với người bệnh mỡ máu cao, tăng huyết áp và xơ cứng động mạch.

Khi đậu đã thành giá đậu, nhân tố sản sinh khí trong chất đường bị hủy, nên sau khi ăn sẽ không gây ra cảm giác sình bụng khó chịu, càng có lợi đối với người bệnh mạch vành tim. Sau khi nảy mầm, hoạt chất của đậu nành gây trở ngại cho việc tiêu hóa hấp thu bị tiêu mất, men ức chế oxy hóa gây bất lợi cho việc hấp thu vitamin A cũng bị trừ khử, acid phytic gây trở ngại đối với việc cơ thể hấp thu các nguyên tố vi lượng bị phân giải mà giảm đi. Những điều đó tạo thuận lợi cho việc hấp thu các chất dinh dưỡng của giá đậu và đem lại lợi ích cho sức khỏe..