- Trang chủ
- Giới thiệu
- Sản phẩm
- Kiến Thức Sức Khỏe
- Công Nghệ
- Chăm sóc khách hàng
- Liên hệ
1. Tại sao phải ăn dặm?
Khi trẻ được 6 tháng tuổi thì sữa không đủ chất dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của bé nữa (mọc răng, tập bò, đứng, đi). Trẻ phải được ăn thêm các thức ăn khác sữa gọi là ăn bổ sung hay còn gọi là ăn sam (theo phía bắc) hoặc ăn dặm (theo phía nam). Nếu trẻ không ăn dặm mà chỉ uống sữa, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương…trẻ sẽ có biểu hiện như cơ nhão, da xanh, chậm mọc răng, chậm biết đi…
2. Thời điểm nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm thích hợp nhất?
Khi trẻ được 6 tháng tuổi trẻ mới có khả năng tiêu hóa và hấp thu được các thức ăn khác ngoài sữa như bột, thịt , rau…và lúc này trẻ bắt đầu thích khám phá những mùi vị lạ và cũng dễ chấp nhận những thức ăn lạ này.
3. Thức ăn dặm
Thức ăn dặm chung nhất cho mọi trẻ là một chén bột có đủ 4 nhóm thức ăn (bột gạo, đạm, dầu và rau). Vì vậy, chén bột của trẻ phải có đủ màu sắc ( gọi là “Tô màu chén bột”) nếu chén bột chỉ có màu trắng là không đủ chất dinh dưỡng cho trẻ .
Tuy nhiên, khi bắt đầu tập ăn dặm, ta phải cho trẻ ăn từ từ như từ một loại thực phẩm (chỉ là bột gạo, đến 2 loại (bột gạo với chất đạm), sau đó là thêm dầu, cuối cùng mới thêm rau…Ăn từ bột loãng tới bột đặc, từ một muỗng tới 2-3 muỗng rồi tới một chén trong một bữa.
Khi thay đổi (thêm thức ăn, hoặc thức ăn mới, hoặc tăng số lượng) ta phải “lắng nghe” sự chấp nhận của trẻ và cũng phải kiên nhẫn chấp nhận những phản ứng của trẻ như bỏ ăn, hoặc ăn ít, hoặc ói , tiêu chảy…Tùy tình huống ta xử trí như tạm ngưng hoặc quay về thức ăn cũ sau đó lại tập lại…hoặc hỏi ý kiến chuyên gia. Không nên la mắng khiến trẻ hoặc hoảng sợ hoặc ngưng luôn các loại thức ăn lạ…
Một chén bột của trẻ cần có một muỗng canh chất đạm, một muỗng canh rau bằm và một muỗng canh dầu ăn. Thức ăn nên bằm nhuyễn, không nên xay nhỏ bằng máy xay sinh tố để trẻ tập nhai.
4. Cách cho trẻ ăn dặm:
– Cho trẻ ăn trong tư thế ngồi: tránh sặc thức ăn vào đường thở
– Ăn đúng giờ, vui vẻ khi ăn.
– Không nên xem TV khi ăn.
– Không nên phản ứng thái quá: la mắng trẻ, lo lắng… khi có sự “biếng ăn” chưa rõ nguyên nhân.
5. Những câu hỏi hay gặp khi cho trẻ ăn dặm
– Khi nào trẻ ăn được cả xác thức ăn?
Ø Trả lời: ngay từ khi 6 tháng tuổi vì lúc này đường tiêu hoá của trẻ đã có khả năng tiêu hóa hết các loại thực phẩm
– Nếu trẻ phun thức ăn thì làm thế nào?
Ø Trả lời: Đây là phản ứng bình thường vì trẻ chưa biết nhai và nuốt nên cứ bình tĩnh cho trẻ ăn lại
– Nếu trẻ khóc khi ăn?
Ø Trả lời: có thể trẻ phản ứng với thức ăn lạ. Vì vậy đầu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm giống sữa như bột sữa, bột trứng, bột tàu hũ… không nên nêm nếm mặn quá, hoặc nhiều gia vị vì sẽ …gây “sốc” cho trẻ
– Trẻ ăn những loại bột công nghiệp, cháo ăn liền nhiều có tốt không ?
Ø Trả lời: Các loại bột cháo ăn liền của những công ty thực phẩm có cấp giấy phép đều có thể tin tưởng về Vệ sinh an toàn thực phẩm tức là không bị tiêu chảy khi ăn nếu pha đúng theo chỉ dẫn. Nhưng thành phần dinh dưỡng thì phải tính toán xem có đủ thành phần dinh dưỡng hay không và có nhược điểm là ăn hoài một khẩu vị thì có thể bé sẽ chán ăn giống như người lớn ăn mì ăn liền hoài vậy. Còn những loại bột cháo không được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần cảnh giác ngộ độ thực phẩm nếu quá trình sản xuất, bảo quản và vận chuyển không an toàn và thành phần dinh dưỡng không đảm bảo và không ổn định. Khi dùng các loại này nếu thấy có biểu hiện không tốt như ói, tiêu chảy hay không tăng cân thì phải chấm dứt và đi khám chuyên khoa dinh dưỡng ngay.
– Cháo và bột thì cái nào “bổ” hơn?
Ø Trả lời: Bột có năng lượng cao hơn cháo và dễ làm hơn. Nếu trẻ thích ăn bột thì hãy cho trẻ ăn cho đến khi chuyển sang ăn cơm. Có thể tập cho trẻ nhai ngoài các bữa ăn bột bằng cách cho ăn các loại bánh dinh dưỡng khác./.
BS.CKII Nguyễn Thị Hoa
Trưởng khoa Dinh dưỡng-Bệnh viện Nhi Đồng 1