Giúp trẻ từ 3 tuổi đến 6 tuổi phát triển trí não tối ưu

Đây là tuổi mẫu giáo. Bé có thể đi chơi một mình, biết giữ vệ sinh ban đêm, nhận biết nhiều màu sắc. Bé đã có thể nói rõ, tập kể chuyện, tập đếm, tập vẽ hình đơn giản, tập đàn. Ở giai đoạn này não phát triển chậm hơn (bằng ¼ giai đoạn 1 đến 3 tuổi) và đạt 100% trọng lượng não khi trưởng thành lúc 6 tuổi. Tuy nhiên đây là giai đoạn não hoàn thiện chức năng, nhu cầu dưỡng chất cho sự phát triển trí não ở giai đoạn này cũng cao. Cholin, tryptophan, tyrosine, DHA, Sialic acid  cần thiết cho sự phát triển khả năng học tập, khả năng nhận thức, thị lực của bé. Các loại vitamin nhóm B, kẽm cũng có góp phần vào sự phát triển trí não của trẻ. Ngoài ra ở giai đoạn này bé đã ăn uống đa dạng như người lớn chúng ta cần chú ý đến những thực phẩm không tốt cho hệ thần kinh của trẻ như đường đơn, các loại thực phẩm có chứa caffein…

Cholin là tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine rất quan trọng trong việc tạo trí nhớ và phát triển sự nhận thức cho bé. Người ta nhận thấy một chế độ ăn đầy đủ cholin thời ấu thơ có tác dụng phòng ngừa bệnh Alzheimer's. Ngoài vai trò là dưỡng chất của sự phát triển trí não, cholin còn đóng vai trò chống ứ mỡ ở gan và giảm nguy cơ tim mạch do khả năng chống oxy hóa. Cholin được xem là một dưỡng chất cần thiết cho con người với nhu cầu khuyến nghị là 250mg mỗi ngày cho bé 3-6 tuổi. Cholin có nhiều trong gan (350mg/100g), trứng (250mg/1 cái), bắp cải (250mg/100g), đậu nành (290mg/100g)… Sữa bò có ít cholin chỉ có 23mg/100ml.

Tryptophan là tiền chất của hai hormon melatonin và serotonin. Melatonin điều hoà sự đồng bộ của giấc ngủ giúp tái bảo dưỡng tế  bào não sau thời gian hoạt động. Bé 3 tuổi ngủ 13 giờ, 4 tuổi ngủ 12 giờ, 5-6 tuổi ngủ 10 giờ,  mỗi ngày. Serotonin kiểm soát sự tăng trưởng của tế bào thần kinh đệm, sợi trục, đuôi gai, khớp thần kinh (synapse). Nhu cầu tryptophan của bé 3-6 tuổi là 12.5 mg/kg/ngày. Tryptophan có nhiều trong thịt, cá (300 mg/100g), trứng (140mg/cái), sữa (45mg/100ml), mè (500mg/100g)…

DHA, docosahexaenoic acid, là một acid béo không no chuổi dài, cùng với arachidonic acid chiếm 45% các acid béo trong não. DHA cần cho sự phát triển nhận thức và thị lực của bé. Nhu cầu DHA hoặc tiền chất DHA là -linolenic acid 0.5-1g/kg/ngày hoặc 0.3% tổng năng lượng khẩu phần. Nguồn thực phẩm giàu DHA là các loại cá béo như cá hồi, cá basa, cá ngừ, lòng đỏ trứng… trong sữa bò không có DHA.

Sialic acid là một oligosaccharide có tham gia cấu tạo khớp thần kinh. Sialic acid cần thiết cho sự phát triển khả năng học tập của bé. Nhu cầu khuyến nghị chưa xác định.

Như  vậy để bảo đảm cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não, mẹ cần tiếp tục cho bé bú mẹ đến 2 tuổi hoặc uống sữa có bổ sung cholin, DHA… ăn mỗi ngày 1 cái trứng, có cá trong thực đơn mỗi ngày của bé đặc biệt các loại cá béo. Ngoài những yêu cầu đặc biệt trên, bà mẹ còn phải cho bé ăn đủ 4 nhóm thức ăn gồm thịt, cá, ngũ cốc, rau xanh, trái cây, đủ lượng dầu để bé phát triển đủ tốc độ về thể lực.

Ngoài tăng cường những chất giúp cho sự phát triển trí não, chúng ta cần giúp trẻ tránh những chất có hại cho hệ thần kinh như đường đơn, caffeine, trà, chocolate, cola và nước tăng lực.

Đường đơn sẽ làm tăng đường quá mức trong não, tại đây đường sẽ phản ứng với protein qua phản ứng glycation, gây phản ứng viêm và làm tổn thương não. Không nên bỏ đường vào sữa của trẻ, hạn chế ăn bánh kẹo, các loại nước ngọt có gaz.

Caffeine làm kích thích não do làm tăng nồng độ dopamine và adrenalin trong máu. Caffeine có thể có trong coca-cola (46mg/lon 350ml), nước tăng lực red bull (80mg/lon), bánh kem chocolate (20-30mg/lát), trà (20-100mg/150 ml). Chúng ta cần chú ý không cho trẻ dùng các loại nước uống có chứa caffeine. 

Ngoài chế độ dinh dưỡng, giáo dục gia đình sẽ giúp bé hoàn thiện nhân cách.

Hãy giup bé phân biệt được điều tốt, xấu; biết yêu thương giúp đỡ bạn bè. Qua các câu chuyện kể cổ tích, truyện tranh, bạn giúp bé làm quen, nhận biết đuợc điều tốt cần làm, điều gì xấu không nên làm.

Hãy tập cho bé có nếp sống sinh hoạt đúng giờ nên cho trẻ ngủ, ăn, vệ sinh đúng giờ. Quy định rõ thời gian chơi, giúp trẻ dần dần biết tự kiểm soát hành vi.

Hãy tạo điều kiện cho bé giúp đỡ bố mẹ để bé tự khẳng định vị trí bản thân trong gia đình; hãy yêu cầu bé giúp bạn làm những việc nhà từ đơn giản và khó dần lên. Nhớ cám ơn bé sau khi đuợc bé giúp, như vậy bạn giúp bé nhận thấy mình là thành viên quan trọng trong gia đình, bé cảm thấy tự tin hơn.

Và hãy cho bé biết tình thương yêu của bạn. Không gây sang chấn tâm lý cho trẻ.

Ví dụ ngày đầu tiên đưa bé đến trường, mẹ cần trò chuyện trước với bé. Cho bé biết là bé đi học cũng như mẹ đi làm, bạn không bỏ rơi bé và chiều bạn sẽ đến đón bé. Ôm ấp, vuốt ve, an ủi bé khi bé đau; bình tỉnh giải thích khi bé không ngoan, không chê khi bé làm hỏng việc; trò chuyện với bé để biết rằng bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe bé. Tất cả những điều đó sẽ giúp bé trở thành một cá nhân có cá tính, biết thương yêu và đầy năng lực.

TS BS Tạ Thị Tuyết Mai
Trưởng Khoa Dinh Dưỡng